E.T.A Hoffmann (1776 – 1822) được giới văn học sử Đức đánh giá là một thiên tài toàn năng, một nhà văn lãng mạn – huyễn tưởng có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với trào lưu văn học lãng mạn ở châu Âu thế kỷ XIX, thậm chí có nhà nghiên cứu coi ông như là bậc tiền bối của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Ông là luật sư, họa sĩ biếm họa, giám đốc nhà hát, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc và hơn hết là một nhà văn sáng tác khá nhiều truyện cổ tích văn học cho thiếu nhi nổi tiếng thế giới. Các nhà văn Pháp rất thích đọc truyện Hoffmann, chẳng hạn như T. Gautier, A. Dumas, Alfred de Musset, G. Nerval, thậm chí đại văn hào H. Balzac còn tôn vinh Hoffmann là “Nhà ảo thuật của Phương Đông”. Ở nước Nga, Puskin, Gogol và nhất là Dostoevsky luôn tìm đọc Hoffman. Một số tác phẩm nổi bật của Hoffmann đã được dịch ra tiếng Việt và giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam do Đông Tây phát hành: Vua chuột và chàng cắn vỏ hồ đào, Chiếc âu vàng, Zaches Tí Hon mệnh danh Zinnober .

Vua chuột và Chàng cắn hồ đào, một trong những tác phẩm hay nhất viết cho thiếu nhi của nền văn học Đức. Đây là một câu chuyện cổ tích kỳ thú, đầy huyễn tưởng và lãng mạn, huyền bí pha chút phiêu lưu mà nhà văn lỗi lạc Đức E.T.A. Hoffmann (1776-1822) đã viết tặng các em nhân dịp mùa Giáng sinh.

Hơn hai thế kỷ qua, hàng triệu đọc giả nhỏ tuổi Đức và châu Âu đã say mê tác phẩm huyễn tưởng kỳ lạ này. Không những thế, câu chuyện cổ tích của Hoffmann còn làm cho những người đọc lớn tuổi phải sững sờ, ngạc nhiên và vô cùng khâm phục trí tưởng tượng tuyệt vời của nhà văn.

 Ở nước Nga, thiên tài âm nhạc Tchaikovsky đã vô cùng thích thú khi đọc truyện "Vua chuột và Chàng cắn hồ đào" của Hoffmann và sau đó, dựa trên tác phẩm này, Tchaikovsky đã sáng tác một vở nhạc vũ kịch nổi tiếng thế giới, công diễn lần đầu tại Saint Petersburg ngày 6 tháng 12 năm 1892.

Chiếc âu vàng của Hoffmann là một trong những áng văn xuôi hay nhất của nước Đức trong thế kỷ XIX, tinh hoa của một trí tưởng tượng cực kỳ phong phú và khoáng đạt, đầy sức hấp dẫn của sự biến hóa khôn lường giữa cái ảo và cái thực, giữa hữu thức và vô thức, giữa cái nội tại và cái ngoại tại. Và cũng rất đặc biệt, bởi nó được sáng tác bằng tâm hồn của một nhạc sĩ. Hơn nữa, Chiếc âu vàng cũng như nhiều tác phẩm văn chương khác còn được sáng tác bằng con mắt tinh tường và sắc sảo của một học sĩ, một nhà đồ học và một nhà vẽ tranh biếm họa có biệt tài hài hước và châm biếm.

Câu chuyện kể về chàng sinh viên Anselmus trong mối quan hệ với hai người đẹp là Veronika – con gái rượu của viện hiệu phó Paulmann và Serpentina – một con rắn xanh óng ánh vàng và là con gái của hỏa thần Lindhorst, vị thần tình yêu đã phạm tội và bị lưu đày xuống thế giới trần tục của con người.

Chuyện tình của Anselmus là câu chuyện của một tâm hồn nghệ sĩ bị giằng xé, vật vã giữa thế giới vật chất và tình thần, giữa khát vọng về một cuộc sống vao đẹp hài hòa với thiên nhiên trong trí tưởng tượng của thi ca với đời sống thường nhật tẻ nhạt, háo danh, háo lợi và đầy toan tính thấp hèn. Cuối cùng, sau biết bao thử thách cam go và đau khổ, sau những cuộc chiến ác liệt giữa ác thần  (dưới hình dạng một bà già bán táo và phù thủy) và hỏa thần (người dẫn lối cho Anselmus đến xứ sở thần tiên trong trí tưởng tượng của thi nhân), chàng sinh viên thông minh nhưng vụng về và lạc lõng trong đời thực đã đến được nơi chàng hằng mơ ước.

Nhà phê bình K. Nussbaecker còn khẳng định tác phẩm "Chiếc âu vàng" là một điển hình của chủ nghĩa siêu thực trong văn học.

Zaches Tí Hon mệnh danh Zinnober của Hoffmann là một trong những truyện trào lộng hay nhất của nền văn học lãng mạn Đức. Tác phẩm kể về cuộc đời kỳ dị của Zaches Tí hon, một con quỷ lùn xấu xí như rễ cây nhưng đã trở thành quan thượng thư và niềm vinh quang của một  vương quốc.

Với lối viết hài hước, châm biếm, giọng văn hóm hỉnh, tình tiết truyện hấp dẫn, lôi cuốn người đọc khám phá cuộc đời kì dị của Zaches Tí Hon. Zaches Tí Hon mệnh danh Zinnober đã được in đi in lại nhiều lần suốt hai trăm năm qua ở châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới.

Mời các bạn cùng tìm đọc.