#thuthiathuthioi
BẬC THỀM MÙA HẠ
Thời còn bé xíu xiu, mỗi mùa hè đến, tôi rất thường được gửi sang chơi với ông bà khi bố mẹ vắng nhà, và điều này luôn là một điểm nhấn đặc sắc suốt thời tuổi thơ của bất kỳ đứa trẻ nào, đặc biệt là đối với tôi.
Những ngày ấy, bà thường dắt tay tôi ra khu chợ tự phát gần nhà để mua thức ăn chuẩn bị cho bữa trưa và xế chiều. Để đến chợ, hai bà cháu luôn đi qua con đường có thật nhiều hoa giấy và vài căn nhà có mùi hoa sữa thơm ngây ngất. Trong số ấy có một ngôi nhà không hề trồng hoa, thường được mấy bạn đồng chí trong xóm nói là nhà của “ông kẹ”, mà chưa đứa nào từng được tận mắt chứng kiến mặt mũi “ông kẹ” thế nào, chỉ biết mỗi mùa trung thu tới, “ông kẹ” sẽ ném kẹo từ trên nóc nhà xuống cho đám nhỏ và còn phát lồng đèn, bên trong kèm theo những bức thư nặc danh mà ai cũng biết là ai.
Là một bạn nhỏ bước sang năm thứ tư của cuộc đời, tôi không có quá nhiều sự lựa chọn. Nếu không đi với bà thì chúng tôi, gồm có tôi và vài đứa em út nữa sẽ la cà ở “túp lều” của ông, tất nhiên là mãi sau này tôi mới biết đó chỉ là một trò dụ dỗ để bà rỗi tay xuống bếp nấu nướng mà thôi. Khi đó cả đám chui vào chiếc lều làm bằng chăn thật oách của ông, ngồi co ro cúm rúm nghe kể câu chuyện con ma bánh kẹo ở trên gác. Bất cứ bạn nhỏ nào chỉ cần ăn quá nhiều bánh kẹo, khi đi ngang căn phòng lưu trữ đồ đạc đều sẽ bị nó lấy cắp mất một chiếc răng. Vì vậy để được ông dắt lên gác mái nhìn ra ngắm hoàng hôn thì bọn tôi không đứa nào dám hó hé đến một chiếc kẹo nào dù cho chúng cứ ở đó đầy ắp thật bắt mắt. Với một đứa trẻ còn chưa đủ tuổi học mầm non thì làm sao có thể biết được đó cũng chỉ là một trong những lời “bịp bợm” vô hại được xếp vào hàng bom tấn thế kỷ đâu cơ chứ.
Còn một trò vui nữa đó là mò mẫm trong những chiếc hộp gỗ cất trữ đồ đạc của ông. Mỗi khi ông lấy ra một chiếc hộp nào đó, nó hẳn sẽ là một rương kho báu hứa hẹn thật nhiều những vật phẩm cũ kỹ một cách lấp lánh. Và đám nhỏ mỗi lần như thế đều sẽ được tặng cho một vài món đồ mà chúng thích, điều mà thời ấy được xem như là chiến tích của cả một tuần ngoan ngoãn vì “sợ ma”. Có lần, tôi tìm được cây bút mực tím thơm có đính hạt đá xanh, hiển nhiên là ngay tức khắc nó liền thuộc về tôi. Một lần khác, tôi ưng mắt chiếc nhẫn bạc trơn được tạo kiểu hình nút thắt, thế là nó nằm chễm chệ trên tay tôi hai tuần liền, trước khi rơi xuống gầm giường và không bao giờ tìm lại được nữa. Có một lần khác nữa, tôi tìm được quyển nhật ký bộ đội của ông, nhưng đó là bây giờ nghe nhắc lại thế thôi, chứ khi ấy tôi vẫn chưa đủ lớn để hiểu nhật ký là gì, và lại càng không biết đọc chữ.
Sau này dăm ba bận tôi về thăm ông bà, mấy chiếc hộp của ông đã bớt “đông khách” nhiều dù với tôi chúng vẫn thật bí ẩn. Giờ thay cho thế hệ của chúng tôi là mấy đứa em, đứa cháu bé xíu xiu. Ông bà cứ mãi chọc
“Nhìn chúng nó đi, giờ chúng nó thế nào thì hồi đó bây cũng y vậy đó”
Chỉ là bây giờ căn gác nhỏ được sửa lại khang trang, phòng nào phòng nấy đều sáng sủa đẹp đẽ, không còn được ông ngân nga truyền thuyết về con ma bánh kẹo như lúc trước nữa. Con đường hoa ngập đầy hoa giấy và mùi hoa sữa thơm dắt ra chợ thì vẫn còn, chỉ là nỗi sợ trên con đường ấy giờ đã biến thành một nỗi buồn trống trãi. “Ông kẹ” năm ngoái vừa mất trong một hôm mưa gió trở trời, vậy nên những mùa trung thu sau này, trẻ con trong xóm sẽ không còn những cơn mưa kẹo từ nóc nhà, và cũng chẳng nhóc nào nhận được lồng đèn cùng thư nặc danh hết cả. “Ông kẹ” đã sống một cuộc đời gắn bó với trẻ con, gần thật gần và rồi cũng thật xa.
Mùa hè đến luôn mang theo thật nhiều bí mật, mang theo những câu chuyện tuổi thơ dai dẳng trong ký ức, những khung cảnh thơ mộng chẳng bao giờ đáng bị quên đi. Tiếng ông trầm trầm chậm rãi kể về “con ma” trên gác, tiếng ông kẹ lâu lâu lại vang lên từ trong nhà, nhắc nhở đứa nhóc nào đi ngang với cái đầu trần trụi trong nắng trưa gay gắt, tiếng bà thuật lại những giai thoại từ xa xưa ở chợ, ở đồng, ở xóm làng xưa cũ. Chúng ta lớn lên trong những lời ru, nhưng lại trưởng thành từ những câu chuyện, từ những người đã từng xuất hiện oanh oanh liệt liệt trong cuộc đời.