Tôi từng đọc một bài viết, nói về những người “chết ở tuổi 25 những đến 70 tuổi mới được chôn” 

Căn bệnh chết trẻ này hình như đang bùng phát dạo gần đây, mức độ lây lan và hủy diệt cũng chẳng thua kém Covid-19 là bao. Nhưng mà nó lại không làm ta chết hẳn, mà chết từ từ, từ trong ra ngoài. 

 

Nhưng mà tại sao lại là tuổi 25 nhỉ?

Khổng Tử từng dạy “Tam thập nhi lập” - 30 tuổi bắt đầu gây dựng sự nghiệp. Còn tuổi 25? Đây là lúc công việc dần trở nên ổn định, có thể là chuẩn bị kết hôn, cũng đã bắt đầu kiếm được tiền để gửi về cho ba mẹ.

Nhưng mà, nghĩ lại thì, cũng chính vì sự ổn định ấy, nên căn bệnh tuổi 25 mới bắt đầu hoành hành. 

Con người luôn mưu cầu an ổn. Cái gọi là safe zone, tức là một vùng an toàn khiến ta thoải mái an tâm, không cần phải thử thách hay mạo hiểm. Nhưng chính nó cũng ngăn cản chúng ta thử những thứ mới, tìm kiếm con đường mình thực sự đam mê. Sự ổn định càng mạnh mẽ, ta càng khó thoát ra khỏi những ràng buộc: “Có công việc ổn định rồi còn mong gì hơn nữa?” “Đừng tự làm khó mình, bây giờ đang yên ổn không muốn, lỡ mà abc xyz thì sau này muốn cũng không quay lại được đâu.” 

Vậy là từ từ, một cách hoàn toàn tự nhiên, ý chí phản kháng và thay đổi của chúng ta dần bị bào mòn. 

Ổn định là một trong những thước đo của sự thành công người phương Đông, nhưng cũng là sợi dây kìm kẹp chúng ta đi tìm con đường thực sự thích hợp với mình. Có những nghề định sẵn sẽ khó mà ổn định, cũng có những nghề phải trải qua một thời gian rất dài tìm hiểu, thui rèn mới gặt hái được kết quả. Những điều này đều không được xã hội đánh giá cao. 

Tôi là một người thích viết lách.

Nhưng từ rất sớm, tôi đã dám chắc rằng mình sẽ không theo nghiệp viết. 

Hồi học năm nhất, cô giáo dạy môn “Phát triển kỹ năng nghề nghiệp” có giới thiệu cho lớp chúng tôi một mô hình, gọi là Ikigai. Cái cọi là Ikigai hiểu đơn giản là bốn vòng tròn, bao gồm: Việc bạn Thích, Việc bạn Làm Tốt, Việc Xã hội Cần và Việc mang lại Thu Nhập. Thiếu một trong buốn đều không được. 

Làm mà thiếu sự yêu thích thì đủ sống, nhưng trống rỗng. 

Làm mà thiếu đi năng lực thì khó mà thành công. 

Làm mà thiếu đi ý nghĩa cho đời thì lại cảm thấy bản thân vô ích. 

Làm mà thiếu đi thu nhập thì còn chẳng nuôi được bản thân. 

Tôi từng tự tin nói với thầy là, cho dù 10 năm hay 100 năm nữa, nghề viết vẫn sẽ cần thiết với xã hội, bởi vì đời sống tinh thần của loài người không thể thiếu đi văn chương, nhưng tôi có tự nuôi sống bản thân bằng nghề viết đến được lúc đó không thì không biết. 

Viết lách mang lại thu nhập rất hạn chế. Nó không phải là một nghề bình thường, tức là bạn có thể giỏi vừa vừa và kiếm được một mức thu nhập đủ sống. Nó là một nghề mà, hoặc là xuất chúng, hoặc không gì cả. Và để tự nuôi sống được bản thân đến lúc xuất chúng là cả một kỳ tích. 

Vậy nên, tôi quyết định theo đuổi một thứ na ná với viết lách, đó là content marketing. “Ừ thì cũng là viết mà, lại còn ra tiền nữa” Tôi hay tự nhủ với mình thế. Giống như thể bạn say đắm cô gái mình từng quen từ thời đi học, nhưng vì hiểu rõ chẳng có được nàng nên bạn tặc lưỡi lên xe hoa với một cô nàng có dáng dấp và gương mặt tương tự. Đúng một gã tồi. 

Nhưng càng dấn thân vào nghề này, tôi càng nhận ra viết lách trong content marketing và viết lách mà tôi từng theo đuổi vốn dĩ không giống nhau. Bản chất và mục đích đều không giống, dù tôi hoàn toàn có thể sống vui vẻ với nghề này, nhưng sâu thẳm bên trong vẫn thấy thật trống rỗng. 

Về sau, tôi lại nghĩ rằng: Phải cố gắng kiếm thật nhiều tiền, sau đó tiếp tục theo đuổi con đường viết lách mới được. 

Những trăn trở về việc chọn nghề, theo nghề cứ quẩn quanh mãi trong đầu không sao thoát ra được. Lắm lúc lại nghĩ rằng, có khi thế này cũng tốt, chứ lúc coi viết lách là nghề, biết đâu lại ghét nhau ra? 

Người ta bảo, cách nhanh nhất để hết thích một điều gì đó là kiếm tiền vì nó, bởi dính tới cơm áo gạo tiền, tới doanh thu hiệu suất, thì không còn giữ được cái đơn thuần thuở đầu của một sở thích nữa.

Chuyện nghề chính là sầu não như vậy đấy. 

Nhưng, cũng có những người, suốt đời sống với đam mê của mình. Mẹ tôi là một ví dụ, mẹ luôn than thở không có thời gian làm gì ngoài công việc, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối quản lý bao nhiêu con người. Nhưng nếu bảo mẹ nghỉ việc ở nhà thì mẹ không chịu được, công việc là một phần cuộc sống của mẹ và mẹ yêu cái nghề ấy. Dù tôi chẳng hiểu những con số thì có gì vui thú đến vậy. 

Hay như bố tôi, một người cầu toàn luôn theo đuổi sự hoàn mỹ từ đầu đến cuối. So với mẹ, ông còn bận rộn hơn, tôi ngày càng hiếm thấy ông ở nhà. Nhưng khi ông được làm công việc mình thích, trông ông ngạo nghễ giống như một chiến binh, giống như con cá được vùng vẫy trong vùng nước của nó. Bố mẹ tôi đều là những người dũng cảm lựa chọn con đường của mình, và dành cả đời cháy hết mình cho nó. 

Dù thế nào, tôi cũng sẽ không bao giờ lựa chọn con đường kiếm tiền chỉ để kiếm tiền, không có một mục đích nào khác. Bạn sẽ đi làm 8 tiếng 1 ngày, 6 ngày 1 tuần, hơn 300 ngày 1 năm và gần 40 năm cuộc đời cho công việc, nếu không yêu công việc ấy, thì sớm muộn bạn cũng sẽ bị ‘cô dâu’ mà mình không hề yêu hành đến mệt chết. 

Nói vậy thôi, nhưng tôi vẫn có niềm tin vào con đường làm nghề của mình lắm. Có thể hiện tại vẫn chưa có một hướng đi thực sự tối ưu để nghiệp viết lách của tôi có thể thỏa mãn mô hình Ikigai, nhưng thế giới đang ngày càng rộng mở, đa dạng ngành nghề hơn, cũng nhiều sự thử nghiệm hơn. Cho dù có là nghề chưa ai từng làm thì cũng có gì đáng sợ? 

Suy cho cùng, trên đời này vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì cũng thành đường thôi.