Ai đó đã nói “Số trang sách bạn đọc được hôm nay là số tiền bạn kiếm được mai sau”. Thật vậy! Sách bồi bỏ cho ta những vốn quý của tri thức, nâng cao tầm hiểu biết và hướng con người tới một cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp, “chân, thiện, mỹ”. Tôi đã đọc vô vàn quyển sách, từ anime, ngôn tình đến tiểu thuyết, kinh dị. Sách hiện nay đầy đủ trên thị trường với đa dạng thể loại, mẫu mã khác nhau. Song chỉ có quyển sách “Không gia đình” của Hector Malot mới thực sự làm tôi thay đổi suy nghĩ.
Tôi nhận ra mình thật may mắn, may mắn hơn em Rêmi trong truyện, chí ít tôi còn có bố mẹ có gia đình, còn em thì không. Tôi muốn cảm ơn những người bạn quanh tôi, cảm ơn người thân vì đã không để tôi cô đơn, lạc lõng giữa dòng đời tấp nập của Hà Nội. Ít nhất tôi còn có người san sẻ niềm vui, nỗi buồn, còn được yêu thương và vỗ về, chứ không cô đơn như Rêmi trong những ngày tháng xa Bácbơranh. Nhưng bù lại, em được gặp cụ Vitali và gánh xiếc của cụ với những chú chó ngộ nghĩnh làm bạn. Nào là con chó Capi khôn như người và rất có nghĩa, con khỉ Giôlicơ liến láu và đáng thương. Nào là “Nghệ sĩ” Matchia với cái đầu to khôn ngoan, lanh lợi, tận tâm với bạn và tài năng… Tất cả những điều đó đã làm Rêmi nguôi ngoai phần não nỗi nhớ nhà và hình ảnh Bácbơranh bên lò sưởi nhào bột mì…
Quyển sách đã thực sự khơi gợi lòng thương cảm ơn tôi. Tôi nghĩ dù những người có trái tim băng giá nhất cũng phải cảm động mà thương Rêmi, một hoàn cảnh khốn cùng của tầng lớp dưới đáy xã hội. Tôi đã khóc khi đọc đến đoạn cụ Vitali chết. Tại sao khóc ư? Tôi khóc vì thương em, Rêmi đã quá thiệt thòi rồi. Kể từ nhỏ em đã không có gia đình. Em được Bácbơranh yêu quý và coi như con, nhưng ông bác Giêrôm thì không yêu thương em, chỉ coi em như một thứ đồ mua đi bán lại. Em được ông ta bán cho cụ Vitali. Nhờ cụ em mới dần trưởng thành, em biết đọc, biết viết, biết chơi đàn diễn xiếc. Nhờ cụ em mới cảm nhận được tình yêu thương, rèn luyện sức khỏe, gan dạ, tự trọng hơn.. Tôi thực sự rất cảm kích cụ Vitali, cũng thực sự nể phục Rêmi. Một đứa trẻ mà đi phiêu bạt khắp nơi dưới trướng cụ Vitali, có những khi đói meo bụng, những lần suýt chết, những khi không có chỗ ngủ mà phải ngủ ở đống rơm rạ, dưới cống,…
Nhưng rồi cũng có khi em được hạnh phúc, sống cùng bà Miligơn và con trai là Áctơ, được ăn uống no đủ, chỗ ngủ ấm êm; có khi em được cảm nhận niềm vui của một gia đình từ người bác Pie và 5 đứa con của bác. Tưởng chừng cuộc sống Rêmi rất đỗi ngọt ngào và hạnh phúc nhưng rồi những điều tồi tệ đã xảy ra với em: cụ Vitali chết, Giôlicơ chết vì sưng phổi,… những chú chó hết mực trung thành với chủ lần lượt ra đi, chỉ còn lại con Capi tâm sự cùng em. Và rồi cuộc đời em phiêu bạt khắp chốn khi gặp nạn đại hồng thủy và xém chết…
Cứ thế, đi sâu vào từng trang sách là từng câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn cao cả. Qua câu chuyện phiêu lưu của Rêmi ta thấy tinh thần lao động không ngại khổ, ngại khó của em, đề cao vẻ đẹp nhân cách của một cậu thiếu niên: thương người, sống ngay thẳn, thành thật,.. Câu chuyện cũng đề cao nghệ thuật chân chính, những người nghệ sĩ tài năng như cụ Vitali, Matchia,.. Và phản ánh cảnh lao động, sinh hoạt bấp bênh, nguy hiểm đầy đe dọa của nhân dân lao động trong xã hội tư sản cũng như lên án những kẻ như Garôphôli- một ông bầu gánh trẻ con ở Phố Luốcxin chuyên đánh đập tàn nhẫn và bóc lột sức lao động của trẻ con.
Câu chuyện cho tôi một ý tưởng táo bạo: Tôi muốn làm tình nguyện viên để giúp xã hội trở nên tốt đẹp và văn minh. Tôi cũng nghĩ cần một quỹ từ thiện ở trường học, xã hội mà để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân tôi sẽ cố gắng góp nhặt tiền ăn sáng để tham gia vào quỹ từ thiện đó, tôi muốn nó mang tên “Rich people”. Tại sao lại là những người giàu? Vì chúng ta đều giàu có, rất giàu tình yêu thương, sự đồng cảm và lòng nhân nghĩa.Cũng để an ủi những người có hoàn cảnh khốn khó hơn mình, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tươi đẹp.