Tháng năm, mùa hè chớm nở, nắng vàng rụm trên những con đường, một khoảng sân trường tím ngát một màu bằng lăng. Thấy mình của mình những tháng ngày qua luẩn quẩn vo tròn trong đống nỗi buồn thênh thang.
Con người ta ai rồi cũng được trải qua những thăng trầm cuộc sống, buồn rồi vui, không ai sống chỉ có một màu. Nhưng nghĩ lại lòng người khó đếm đong, thường thì ta hay quên nhanh hạnh phúc từng có, mà cứ bấu vào nỗi buồn để giữ mình lại trong đó, ngày tháng vì thế mà đằng đẵng những tiếc nuối khôn nguôi.
Tiếc vì ngỡ rằng mình của ngày tháng sau này sẽ hạnh phúc lắm, nhưng nhìn đi nhìn lại bản thân vẫn loanh quanh một chỗ, có khác chăng là năm tháng tuổi đời đang dịch dần vễ những con số lớn hơn.
Tiếc vì thanh xuân đang trôi dần mà mình giờ đây vẫn chưa có được thành tựu rõ ràng như mong muốn, rồi lại trách mình sao chưa đủ quyết tâm.
Tiếc rằng ngày còn là trẻ nhỏ, sao cứ mãi ham chơi mà không chịu nghe lời bố mẹ, thầy cô, để đến bây giờ trên đoạn đường đi có phần ghập ghềnh khó đoán.
Tiếc rằng tuổi bố mẹ nhiều thêm, mà thành công của mình thì chưa lớn, len lỏi một nỗi sợ vô hình khi nghĩ đến ngày mai.
Tiếc rằng ngày đó mình chưa dứt khoát, lưỡng lự, rụt rè để cơ hội vụt khỏi tầm tay.
Tiếc vì một cuộc tình từng đẹp, nay đoạn đành dở dang. Tiếc một cái nắm tay tưởng vững bền, thoáng chốc tay chẳng còn thể nắm vừa một bàn tay.
Tiếc rằng một người từng thương nay hóa thành người lạ, tiếc vì người đã có thể ngồi khóc cùng mình, nay vì thương người khác mà chẳng còn vì nhau.
Còn nhớ, người đã từng thề thốt yêu mình, vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại, người đã bên người khác. Đôi khi cũng nghĩ bản thân dễ bị dối lừa, nhưng suy cho cùng, trong những phút giây đó người đã rất thật lòng. Chỉ có điều lòng người dễ đổi, có khi ngay cả mình cũng phản bội chính bản thân, bằng những lần tự hứa: ngày mai sẽ sống khác đi, ngày mai sẽ cố gắng hơn, để một ngày mai tốt đẹp hơn hiện tại. Nghĩ cho tường tận, cũng không trách người ta được, có chăng trách mình quá dại khờ, cứ ngoái cổ nhìn mãi về ngày xưa. Chẳng thế mà nhà văn người Trung Quốc Diệp Lạc Vô Tâm đã từng viết nên tác phẩm ngôn tình nổi tiếng “ Mãi mãi là bao xa”. Do tác phẩm lay động lòng người đọc, hay còn do đọc giả muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lòng mình “ Mãi mãi là bao xa?”
Con người ta đôi khi đứng giữa những lằn ranh lựa chọn, tiến được một bước về tư tưởng, thái độ tốt thì cuộc đời sẽ sáng hơn. Dừng lại, hoặc từ bỏ là cả một sự tụt lùi, đôi khi nó dẫn ta và người thân đến chỗ đau lòng. Còn nhớ mùa dịch bệnh Covid lần thứ nhất, cả thế giới ngưng nhiều hoạt động trên các lĩnh vực, chính vì vậy mà nguy cơ mất việc của rất nhiều người là rõ rệt. Có rất nhiều người đối diện với khó khăn. Tôi cũng đã từng đi qua những tháng ngày dịch bệnh đó. Cả đất nước gồng mình chống dịch, những thiên thần áo trắng chấp nhận xa nhà vào tâm dịch để dành lại sự sống cho rất nhiều bệnh nhân. Đôi khi chính họ cũng là người bị nhiễm bệnh. Hơn ai hết, họ vẫn chọn đối diện. Em tôi một Bác Sỹ trẻ vừa lập gia đình, trong mùa dịch đầu tiên bước vào Sài Gòn trong tâm thế là một chiến sỹ. Ngày ấy, vacxin chưa nhiều, người ra đi không ít, các địa điểm hỏa táng hoạt động nhiều hơn bình thường, nhưng em vẫn tạm biệt gia đình nhỏ với mái đầu cắt trọc, và cây đàn ghi ta. Nhớ Hà Nội thì lôi đàn ra hát. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu tại sao nhiều Y Bác Sỹ tự cắt đi mái tóc đẹp của mình. Những vết lằn trên khuôn mặt, những tấm áo sũng nước mới thành quen. Những miếng cơm lùa vội, những lần gặp gỡ gia đình qua màn hình điện thoại cũng trở nên ngắn gọn. Nghe tiếng người thân mà khóc. Nước mắt và mồi hôi thấm dặm vào hai lớp khẩu trang mặn chát. Vậy mà vẫn vỗi vàng chạy thình thịch đến bên buồng bệnh có người vừa kêu... Những ngày tháng đó đối với rất nhiều người chẳng phải là đen tối đó sao? Hoạt động bình thường bị đóng băng tại chỗ, những cây ATM gạo, những siêu thị không đồng, những đội tình nguyện viên được dựng lên. Bộ Đội, Công An chưa bao giờ phải đi chợ nhiều như vậy... Tất cả đều để phục vụ người dân, phục vụ đồng bào. Và còn nhiều hơn thế nữa... Ngày tháng đó đi ra ngoài bằng tem với phiếu, có chốt, có địa điểm kiểm dịch, có người nhắc nhở và phát khẩu trang... Tất cả cũng vì một ngày đất nước vượt qua đại dịch. Chỉ có ai sống trong tâm dịch, sống trong mùa dịch mới thấy được hết vất vả cơ cực. Hằng ngày đối diện với những con số mắc Covid tăng cao, con số bệnh nhân chuyển nặng, đồng thời những hộ gia khó khăn lũ lượt rồng rắn vượt đường về quê. Ngày tháng đó há chẳng phải tối đen. Nhưng tôi và bạn bây giờ thấy đấy. Đất nước đã bình yên, thế giới cùng nhau dần bình thường trở lại, trái đất lại khoác lên mình màu vui tươi kết nối. Những con số thống kê không còn nhảy nhót trên màn hình. Vậy thì nỗi đau vì một vài thứ tình cảm bị rạn nứt, nỗi đau vì thất bại của riêng lòng người có gì ghê gớm lắm. Có chăng là do cách đón nhận của mỗi người. Có người chỉ mới là cái đứt tay cũng phải la toáng cho người thân mình biết, có người đứt gãy, đổ vỡ ở trong lòng vẫn chọn cách bình lặng bước qua. To hay nhỏ, đau đớn như thế nào chẳng phải do bản lĩnh của mỗi người. Để vượt qua đại dịch thế giới cần hai năm dư ngày dư tháng. Vậy để vượt qua lòng mình sao lại đòi hỏi ngày một ngày hai. Thời gian luôn công bằng. Đứt da cũng cần có thời gian liền sẹo, cớ gì đổ vỡ trong lòng lại bắt buộc phải hạnh phúc thật nhanh. Cứ bước đi và chấp nhận, đớn đau nào cũng sẽ có một ngày mai. Ngày mai đó sẽ sáng bừng hy vọng, hoặc ít nhất ngày đó cũng rõ ràng là ngày bạn hạnh phúc hơn hiện tại đau lòng mà bạn đang mang.
Vậy thì, một ngày đẹp trời nào đó, hãy mặc một chiếc váy đẹp, tìm một khoảng trời xanh chụp lại cho mình một vài tấm ảnh. Hoặc chọn cho mình một quán cafe yên tĩnh, cho phép mình một lần ngưng bi lụy, dẹp bỏ những yếu tố đau lòng, nghĩ về nhiều điều tích cực để tử tế với bản thân mình hơn. Biết đâu đó chỉ ngày mai thôi bạn sẽ gặp lại mình ở một phiên bản đẹp nhất trong những ngày tháng đã qua.
#haynhorangngaymaicontoi