“Có tật có tài” là câu nói tôi nghe được thường xuyên từ khi bắt đầu đi học. Tôi là một cô bé khuyết tật vận động sinh ra trong gia đình giáo viên trí thức. Vì là con cô giáo cộng thêm một chút chăm chỉ, tôi luôn được xem là “tấm gương” cho các học sinh trong trường noi theo.

Từ không hiểu rõ bản thân đến sự lựa chọn sai lầm

Những năm tháng học trò cứ lặng lẽ trôi qua cho đến cuối năm lớp 12, khi chúng tôi bắt đầu đăng ký nguyện vọng đại học. Tôi loay hoay mãi chẳng biết nên ghi nguyện vọng gì, vì cũng không có sở thích hay năng khiếu gì đặc biệt cùng với những trở ngại của khuyết tật bản thân, tôi đành nghe theo ý kiến của gia đình ghi vào những nguyện vọng ngành mà chính tôi cũng chưa rõ đó là việc gì. Vốn không giỏi tính toán, những ngành nghề như kế toán, tài chính  hay công nghệ thông tin tôi đều loại bỏ. Cuối cùng tôi trúng tuyển vào ngành Bảo hiểm - một ngành tôi nghe nói là học về luật chứ không tính toán nhiều và có thể làm việc văn phòng.

Vỡ mộng ngay từ học kỳ 2 của năm nhất khi tôi được biết ngành mà mình đang theo học là một phần của khối ngành tài chính ngân hàng, và tất nhiên xuyên suốt 4 năm tôi chỉ toàn học với những con số. Lúc ấy tôi bỗng thấm thía câu nói “ghét của nào trời trao của nấy”. Áp lực, mệt mỏi, không tìm thấy hướng đi khi hằng ngày phải nạp vào đầu mình những điều bản thân không hề hứng thú. Nhưng vì sĩ diện của bản thân và gia đình, tôi vẫn không dám từ bỏ.

Nếu việc học đại học của những bạn đang theo đuổi đúng đam mê đã không hề dễ dàng, thì với tôi, một đứa “dốt toán”, lại khó khăn gấp bội. Những con số cứ nhảy múa trước mặt tôi mà tôi chẳng thể gom chúng vào đầu, những công thức toán học rồi công thức giám định cứ thế cũng chẳng thể làm bạn với tôi. Và….tôi đã rớt môn.

Lúc ấy tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Cảm thấy mông lung trước tương lai với những điều tôi đang làm. Liệu tôi sẽ làm gì sau khi ra trường? Tôi có thể đi theo ngành nghề mà mình đang học không? Những câu hỏi cứ lần lượt hiện lên trong đầu tôi và tôi cứ cố tìm kiếm câu trả lời mỗi ngày. Nhưng khi đó tôi đã ở năm thứ 3 nên cũng chẳng dám bỏ ngang vì sợ lãng phí mất 3 năm mà chẳng được gì.

Trong thời gian đi thực tập để ra trường, tôi càng chắc nịch hơn nữa về sự “không hợp đôi” với ngành nghề 4 năm qua mình đã học. Mỗi ngày đi thực tập, tôi đều mang trong đầu tư tưởng bỏ việc. Không phải vì thực tập sinh chỉ được giao những việc vặt nên tôi nản, mà tôi đã thật sự cảm thấy mình không thuộc về nơi này, công việc này. Và ngay sau khi kỳ thực tập kết thúc, tôi đã biết chắc rằng mình sẽ làm trái ngành. Nhưng làm gì đây? Tôi thật sự không biết.

Tìm kiếm đam mê của chính mình

Loay hoay trong đống suy nghĩ ngổn ngang trong khi bạn bè đã bắt đầu đi làm. Suốt cả tháng trời tôi chỉ biết nằm ở nhà và tự vấn với chính mình. Tôi tự hỏi, mình thật sự muốn gì, mình cần gì và mình nên làm gì. Thời gian này bế tắc thật sự.

Tôi bắt đầu bật laptop và tìm kiếm mọi ngành nghề mà tôi cho là mình có thể làm. Đọc hết mọi JD để tìm kiếm sự phù hợp. Thử xin một vài nơi đúng chuyên môn hay trái ngành đều bị từ chối. Quá chán nản, tôi tìm đến khóa dạy nghề ngắn hạn miễn phí cho các bạn yếu thế. Trong lúc bế tắc, tôi cũng muốn học thử xem mình có thể có một cơ hội mới hay không, nên đã đăng ký học về thiết kế Website và Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO).

Trong suốt thời gian 3 tháng học tập ngắn ngủi tôi luôn cảm thấy rất thích thú và vui vẻ, chỉ muốn tìm hiểu sâu hơn về SEO cùng những lĩnh vực liên quan đến nó. Càng tìm hiểu tôi càng đam mê. Và rồi tôi tìm đến công việc Viết nội dung Website (Content SEO). Việc viết lách làm tôi cảm thấy luôn hào hứng và luôn trong trạng thái muốn lao vào làm bất cứ lúc nào. Có nhiều hôm tôi lo mải mê với những con chữ mà cả ngày quên mất ăn cơm. Sức hút kỳ lạ của công việc này đã làm tôi có thêm một tia hy vọng và bắt đầu có định hướng cho bản thân.

Tôi ngày càng tìm hiểu sâu hơn về nghề Content qua các hội nhóm, youtube, tiktok và biết được đây là một ngành rất hot hiện nay. Ngành hot nghĩa là mức độ cạnh tranh cực kỳ cao và hầu như ai cũng có thể làm nghề Content được. Vậy nên để có thể theo đuổi nghề này, tôi phải có lộ trình phát triển bài bản cho bản thân. Trước tiên chính là nạp kiến thức.

Vì suốt 4 năm chỉ học tính toán khô khan, khả năng viết lách ở 12 năm phổ thông của tôi đã bị bào mòn. Tôi đã rèn cho mình bằng cách đọc sách nhiều hơn và tự giao KPI mỗi ngày phải viết ít nhất 5000 từ. Ngoài ra không ngừng học hỏi kiến thức của nhiều lĩnh vực để có chất liệu viết. Thêm nữa chính là tư duy marketing, tư duy phân tích…. để phục vụ cho việc theo đuổi ngành nghề này.

Những khó khăn bước đầu của một người trái ngành chắc chắn có, nhưng trong thâm tâm tôi chưa bao giờ có suy nghĩ muốn từ bỏ, ngược lại chỉ muốn tiếp tục học hỏi, tiếp thu và làm. Sự nhiệt huyết trong tôi dường như thức tĩnh sau 4 năm ngủ đông và có lẽ tôi đã tìm thấy được chính mình.

Khi những người bạn học cùng giờ đã đi làm và có thu nhập ổn định thì tôi lại trở thành 1 Freelancer với những đồng nhuận bút lúc nhiều lúc ít, nhưng tôi lại không quá bận tâm mà vẫn có cảm giác vô cùng nhiệt huyết. Tôi đã quyết định dành 1,5 năm để theo học ngành Digital Marketing tại một học viện công nghệ khá có tiếng và may mắn nhận được học bổng toàn phần. Thế là HỌC THÔI. Chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại.

Nói đến thành tựu trong lĩnh vực tôi đang theo đuổi thì…tôi chưa có, vi tôi đang đứng ở vạch xuất phát. Nhưng so với thời gian phải học và làm cái bản thân không thích, giờ đây tôi cảm thấy hạnh phúc và thoải mái hơn rất nhiều. Ở thời điểm hiện tại, điều tôi thấy tự hào nhất chính là biết mình thích gì.

Đối với người trẻ, việc chọn sai ngành, sai trường không hiếm. Khi ở lứa tuổi 18 đôi mươi, không phải ai cũng thật sự hiểu được chính mình và có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Nếu bạn đã có một năng khiếu nào đó hay sớm tìm ra con đường mình muốn đi và đang theo đuổi nó, bạn chính là người may mắn. Còn nếu bạn vẫn đang loay hoay không biết bản thân muốn gì như tôi thì cũng đừng quá lo lắng. Hãy cứ bước đi thật chậm thôi. Tôi tin cuộc đời sẽ luôn cho bạn cơ hội thứ 2 nếu bạn thật sự nỗ lực. Hãy luôn tin vào chính mình!