Chắc hẳn các bạn từ nhỏ khi được xem hình ảnh của các ngôi sao trên ti vi bất kể là sao nhí hay người trưởng thành đều ước ao một lần mình được lên ti vi. Ước ao bản thân nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Lớn lên chút nữa khi gặp khó khăn trong việc giải một bài toán thì lại ước ao bản thân có khả năng ghi nhớ và hiểu bài nhanh như những bạn học giỏi tự nhiên. Lớn thêm chút nữa khi thấy những doanh nhân thành đạt có nhiều tiền nhờ vào kinh doanh thì lại ước mình cũng có nhiều mối quan hệ và có chiến thuật buôn bán giỏi như vậy. Và khi về già, khi đã trải qua bao thăng trầm cuộc sống lại chỉ muốn hai chữ ‘’bình yên'', không bôn chen và được sống thọ thêm mấy năm ở bên con cháu.

Cứ đến mỗi một giai đoạn trong cuộc sống con người lại có những khát khao riêng, có người làm mọi việc bất chấp định kiến xã hội để có tiền, còn số khác lại chỉ muốn thỏa mãn đam mê chứ không cần tiền. Sẽ có những cái nhìn khách quan khác nhau về “thành công” với mỗi người. Có rất nhiều tân cử may mắn tốt nghiệp sớm, ngày đêm dùi mài kinh sử và rất may mắn họ cảm thấy đam mê với ngành mình đang học. Đó là những người may mắn khi họ nhận ra được đó chính là con đường đúng đắn trong sự nghiệp học tập và làm việc sau này của mình. Lại có những trường hợp khác như đang học năm nhất, năm hai đại học thì lại nghỉ học, chuyển ngành, chuyển trường và điều này không những mất thời gian mà còn tiền bạc nữa. Có người chán lý thuyết khô khan chỉ muốn thực hành để trải nghiệm nên bỏ học mà đi làm sớm, có người giành cả thanh xuân chỉ để kiếm tiền đi học. Mỗi người có một cá tính riêng và nếu may mắn thì nhận ra sớm được mục đích sống của mình là gì, có người kém may mắn hơn thì đã già rồi mới nhận ra và đến lúc đó áp lực cơm áo gạo tiền sẽ lấn át cái gọi là “đam mê”.

Bản thân tôi là cử nhân ngành “ngôn ngữ anh” trường đại học ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh. Năm nhất tôi giành thời gian nhiều cho việc đi học tiếng anh ở trung tâm để sớm lấy bằng đầu ra tiếng anh để ra trường sớm, năm hai tôi đi làm part-time cho rạp chiếu phim CGV vì lúc đó tôi khá tự tin về ngoại hình cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng anh của mình, năm ba tôi đi dạy thêm tiếng anh và quyết định bảo lưu một năm để thi Ielts và học Tesol để sau này đi dạy. Nhìn thì có vẻ tôi đã có một lộ trình đúng trên con đường học tập và làm việc nhưng mấy ai thấy được áp lực đằng sau đó. Lúc xưa học ở quê, không có điều kiện học trung tâm nên tiếng anh với tôi chỉ đơn giản là học từ vựng, ngữ pháp, hầu như không có khả năng nghe, nói tiếng anh. Vào học năm đầu tôi khá “sốc” vì nghĩ rằng bản thân sẽ không bắt nhịp kịp với các bạn ở thành phố và không thể qua môn nổi, đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc và suy nghĩ rằng “mình có ngoại hình, chiều cao thì chắc làm mẫu ảnh hay kinh doanh quần áo thì hợp hơn”. Thực ra đó chỉ là lời biện hộ cho việc không thể theo kịp chương trình ở trường đại học tôi theo học thôi. Đã có lúc ba mẹ hỏi thăm tôi cuộc sống đại học như thế nào, tôi chỉ cười an ủi ba mẹ: “Con ổn, trường có thư viện sịn sò và giảng viên rất giỏi”, cơ bản vì tôi không muốn 12 năm nuôi ăn học của ba mẹ đổ sông đổ bể khi nghe tin: “Tôi không thể theo học tiếp nữa”. Thật ra thay vì đi học tiếng anh trung tâm tôi có thể tự học được nếu như biết cách tìm nguồn tài liệu trên mạng và xem phim để luyện nghe, nhưng tôi đã bỏ tiền để theo học một trung tâm ở quận 1 vì nghĩ bản thân không có khả năng tự học. Một thời gian sau vì chỉ nghĩ học trung tâm là đủ nên tôi chẳng xem bài ở nhà mà giành thời gian đi làm mẫu ảnh để kiếm tiền. Hết năm nhất dù có chút tiền để tiêu vặt nhưng khả năng tiếng anh của tôi vẫn không cải thiện nhiều vì tiếng anh đa số là tự học chứ không thể phụ thuộc 100% vào giảng viên hay trung tâm được. Tôi vẫn còn may mắn vì lúc đó tài chính gia đình còn vững nên không khó khắn lắm, tôi đã chứng kiến nhiều viễn cảnh rằng: Tân sinh viên phải đi làm để xoay xở học phí, thực sự mức lương part-time lúc đó chỉ là 15 đến 20 ngàn là nhiều thì làm sao có thể nộp tiền học phí, tiền trọ, tiền ăn được chứ và khi chứng kiến những điều đó tôi lại tự nhủ: “Cuộc sống mình còn hơn khối người nên phải cố gắng hơn nữa, thời đại này không giỏi tiếng anh thì chẳng tốt cho việc thăng tiến”. Và thế là tôi lại học, đi bộ đến trường tôi cũng nghe video tiếng anh, thời gian rảnh là tôi xem phim, giải đề, học từ vựng và  cứ thế đến gần cuối năm hai thì 4 kỹ năng tiếng anh của tôi đã cải thiện. 

Xong năm hai tôi lại chứng kiến nhiều bạn học đi du học nước ngoài với mong muốn sẽ nhận được mức lương hậu hĩnh thay vì tiếp tục học tập và làm việc ở Việt Nam. Đa số là du học diện tự túc, và khi tiếp xúc với những người bạn đó thì tôi lại có suy nghĩ giống như họ, nhưng biết sao được,  tài chính gia đình của tôi không cho phép, tôi đã làm mọi cách để lấy được Ielts cao, tham gia tình nguyện để cũng có thể “du học” nhưng cuộc sống không dễ dàng như vậy, chăm chỉ và cố gắng chưa đủ mà cần may mắn nữa nên tôi đã trượt học bổng. Và thay vì theo đuổi con đường du học thì tôi đã chuyển ý định sang ở lại Việt Nam và theo đuổi con đường “dạy tiếng anh” sau này. 

Lúc đầu thì chỉ là để kiếm tiền và không muốn công sức mười mấy năm học tiếng anh đổ sông đổ bể nên tôi theo con đường dạy học. Sau này , khi chứng kiến trung tâm tiếng anh mọc lên như nấm, và nhiều giáo viên đã từng du học về dạy học, tôi nhận thấy bản thân không đủ giỏi, không đủ sức cạnh tranh, và thay vì cố gắng hơn thì tôi lại thấy tự ti, tôi thấy bản thân không đủ giỏi để theo nghiệp “dạy học”. Nhưng thời gian đó, tôi có một gia đình luôn động viên và sẵn sàng nghe tôi chia sẻ những khó khan tôi gặp phải, tôi đã vực dậy và giành nhiều thời gian để trau dồi kiến thức. Sau này, tôi cũng đã học thêm lập trình để có thể tạo ra một website chia sẻ những tips học ngoại ngữ, đó là bước đệm trong con đường thành công của tôi sau này. Và khi đã có được chỗ đứng trong sự nghiệp dạy học, tôi lại muốn cho nhiều hơn nhận, tôi nhận ra cuộc sống này sẽ chỉ tốt lên khi bản thân giúp ích được cho đời. Tôi tự nhận ra một chân lý: thật ra cuộc sống này bất kì điều gì cũng phải đánh đổi cả, và  chuyện gì cũng sẽ luôn có hai mặt của nó. Nếu tôi giành thời gian để học tiếng anh hằng ngày thì tôi sẽ không có thời gian để thử sức những công việc khác, và nếu giành nhiều thời gian để học hỏi bên ngoài để kinh doanh và làm những công việc khác thì sẽ rút ngắn thời gian tự học ngoại ngữ của mình. Cũng giống như việc bạn thần tượng hóa một người nào đó, có thể người đó sẽ là mẫu hình lý tưởng của bạn trong tương lai hay họ sẽ là điểm tựa để bạn học hỏi và cố gắng, thì cũng sẽ có trường hợp nó sẽ kìm hãm chính sự cố gắng của bạn. Hình mẫu những ca sĩ hay một nhân vật nổi tiếng nào đó khi xuất hiện trước công chúng đều chỉn chu, sẽ có lúc bạn cảm thấy bản thân thua kém quá nhiều và khả năng chịu áp lực cũng như tiếp thu kiến thức không được như họ. Nhưng thật ra đằng sau tấm màn sân khấu là sự khổ công tôi luyện hằng ngày, sẽ không có một ai hoàn hảo và có thể là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực một lúc cả. Ngay cả một bác sĩ với mấy chục năm hành nghề vẫn có thể không thành công trong một cuộc phẫu thuật thì chuyện bạn gặp bất trắc trong kinh doanh hay học tập là điều bình thường, trên đời này mọi chuyện đều có thể xảy ra và điều “bất thường” là khi bạn không có niềm tin vào bản thân, và bất lực trong việc giải quyết vấn đề. Nếu một vấn đề xấu đâu may xảy ra đến với bạn lần một  có thể không phải là lỗi của bạn, nhưng điều này lại lặp lại rất nhiều lần thì đó chính là lỗi của bạn rồi. Vì vậy, đừng nên  chọn đi nhanh, hãy cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra bất kì quyết định nào trong cuộc sống vì nó có thể thay đổi cả đời bạn. Đừng quá giành nhiều thời gian trên mạng xã hội, bị những hình ảnh xa hoa làm bạn cảm thấy tự ti vào những gì mình đang có. Vì đa số con người sẽ xây dựng một hình ảnh của một người thành công và hạnh phúc trên mạng xã hội, và đằng sau đó là cả một quá trình phấn đấu, và mọi thứ không thể tóm tắt trong một tấm hình được. 

Và dù cho bạn là ai, bạn đã trải qua những gì, thì mọi thứ vẫn có thể thay đổi được trong tương lai nếu bạn không ngừng cố gắng, và hãy luôn giữ một cái tâm “trong sạch, lương thiện” vì chắc hẳn “ có tâm ắt sẽ có tầm”.