Nói về chuyện nghề đúng, nghề sai, đầu tiên chắc phải nói đến chuyện định hướng nghề nghiệp. Nói đến chuyện định hướng nghề nghiệp, tôi nghĩ tôi hẳn là một ví dụ của sự thất bại.
Nói như thế không có nghĩa tôi bị bỏ mặc tự xoay sở. Thật ra là ngược lại, từ rất sớm tôi đã được gia đình vạch cho một lộ trình phát triển rõ ràng, chỉ là con đường ấy có lẽ không khiến các chuyên gia giáo dục hài lòng cho lắm.
Ý kiến các chuyên gia có thể đúc kết như sau: Một, hướng nghiệp nên bắt đầu vào cuối cấp 2, đầu cấp 3. Hai, hướng nghiệp nên dựa trên trải nghiệm thực tế. Ba, hướng nghiệp nên cân bằng giữa đam mê – ưu điểm cá nhân và nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, lộ trình của tôi được quy hoạch như sau: Cấp 1: Đỗ cấp 2; Cấp 2: Đỗ cấp 3; Cấp 3: Đỗ đại học.
Bố mẹ tôi không phân biệt nếu tôi lấy được bằng nông nghiệp, y, dược hay công nghệ thông tin. Không phải vì họ không quan tâm, nói đúng hơn, họ lực bất tòng tâm.
Cả bố và mẹ tôi đều là công nhân. Những năm tháng chiến tranh, họ lựa chọn bỏ xuống sách vở để học lấy cái nghề, thiết thực hơn cho cả đất nước, gia đình và bản thân. Bước sang thời kỳ Đổi mới, nền kinh tế chuyển dịch sang kinh tế tri thức, bố mẹ tôi học được cái giá cho lựa chọn của mình. Thế giới của họ quẩn quanh trong những chuyến xe buýt ngược xuôi, trong phân xưởng lắp ráp đồng hồ đầy bụi, trong cửa hàng ngổn ngang bàn ghế gia dụng. Bố mẹ tôi nghĩ về tấm bằng đại học như một ngưỡng vọng, tốt đẹp rực rỡ nhưng cũng xa vời vượt tầm hiểu biết của họ.
Tôi cần mẫn đi theo giấc mơ của bố mẹ, dù không thật sự hiểu được thứ khao khát mọc mầm từ vất vả ấy - đặc trưng của đứa trẻ lớn lên trong yêu thương và bảo bọc. Cũng chính vì vô tri nên khi phải tự ra quyết định lớn đầu tiên cho đời mình – chọn trường đại học, tôi chơi vơi trước khi chọn ra một giải pháp an toàn: học ngoại ngữ - thời nào ngành nào cũng có đất dùng. Để chắc ăn hơn nữa, tôi chọn học chuyên ngành không phải ngoại ngữ tại một ngôi trường mạnh về ngoại ngữ và thuộc nhóm trường top: Học viện Ngoại giao. Tôi nhẩm tính, tôi ra trường vừa có chuyên môn, vừa có ngoại ngữ ổn vừa có tấm bằng có giá trị thị trường.
Năm thứ tư, tôi thuận lợi tốt nghiệp và sau vài tháng ăn không ngồi rồi, được gửi cho một thông báo tuyển dụng biên tập viên tin tức quốc tế. Tôi nộp hồ sơ, được gọi đi thi, và trúng truyển. Tôi đã chính thức bước chân vào nghề báo như thế.
Thời điểm ấy, nếu hỏi tôi có yêu thích báo chí không, tôi thật không dám vỗ ngực nói có. Đơn giản vì tôi còn đang bận học về tin tức. Nào là mô hình tháp ngược, tháp xuôi, mô hình kim cương, 5W+1H, v.v... Nào là viết báo phải biết mình viết cho ai đọc. Viết cho đại chúng phải đơn giản và dễ hiểu. Viết về tình hình Trung Đông thế nào để bà bán rau đọc xong cũng gật gù, ấy thế mới là hay. Tri thức là của tất cả mọi người, rõ rồi, nhưng làm thế nào để tri thức đến được với tất cả mọi người vẫn đòi hỏi tâm sức ở người truyền tải, nhất là ở nước ta, nơi hàm lượng tri thức trong dân số vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.
Biết mình viết cho ai rồi, còn cần biết mình là ai. Báo Mỹ có thể ca ngợi chính nghĩa của những chiến dịch đưa quân sang Afghanistan hay Syria, nhưng báo Việt cần phải suy nghĩ, để nghĩ về một chính nghĩa khác, chính nghĩa của Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, của Chiến dịch Hồ Chí Minh, của một dân tộc nỗ lực hơn 20 năm vì giấc mơ toàn vẹn đất nước. Nghĩ lại, không phải để thù hằn, mà để nhớ. Chính nghĩa có nhiều, nhưng Tổ quốc chỉ một.
Viết được những mẩu tin ra tấm ra món lại học tiếp viết bài chuyên sâu: bài tổng hợp phải dành công sức thu thập và sắp xếp dữ kiện, bài phân tích cần rèn luyện tư duy, còn bài bình luận – phản ánh thì “cả đời vẫn cần phải học”.
Mải miết vừa làm vừa học, tôi nhận ra rằng chỉ cần tôi ham khám phá, nghề báo không thiếu hạng mục để tôi thử sức.
Lúc này, tôi hẳn có thể khẳng định tình yêu với nghiệp báo rồi chứ. Thế nhưng không, tôi vẫn còn lấn cấn. Hỏi ra thành lời kể cũng dở hơi, nhưng … tôi có đang làm báo không?
Tôi có đứa bạn làm cùng nghề nhưng không cùng chỗ. Chúng tôi quen nhau ất ơ từ các mối quan hệ xã hội và thi thoảng ngồi lại tán gẫu chuyện đời. Nghe nó kể chuyện lần nào cũng ngỡ công việc của nó với của tôi thuộc hai vũ trụ báo chí khác nhau.
Nó nhảy từ toà soạn ngoài Bắc đến trong Nam, làm từ báo Ta đến báo Tây, tuần 5 ngày làm việc có 3 ngày đi phỏng vấn, 1 ngày đi họp báo. Một năm sẽ một, hai bận đi hội thảo, bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài, hỏi đến toà soạn nào cũng có người quen.
Còn tôi, do đặc tính của mảng tin quốc tế, công việc chủ yếu ngồi bàn giấy biên dịch văn bản. Các mối quan hệ khoanh vòng vẻn vẹn trong chỗ làm. Tôi không đi họp báo, không đi hội thảo, cũng không phỏng vấn ai.
Tôi bắt đầu tìm kiếm các chương trình báo chí quốc tế. Các bài luận ứng tuyển của tôi tràn đầy tâm tư thống thiết. “Tôi mong có cơ hội để đưa tin quốc tế bằng chính trải nghiệm của mình thay vì kể chuyện qua đôi mắt của người khác,” đại khái vậy. Sau cùng, tôi đánh động được một chương trình báo chí bên Đức. Hai năm liên tiếp họ mời tôi tham gia hai tour báo chí. Sản phẩm từ những chuyến đi này giúp tôi giành về một giải thưởng nho nhỏ.
Nhưng tôi còn một số gặt hái khác, không hữu hình bằng, nhưng có giá trị hơn trên phương diện cá nhân.
Năm tôi đâu đó hai chục tuổi đầu và mới tập toẹ học về quan hệ quốc tế, tôi hay cho phép mình những suy tưởng cao xa. Quan hệ quốc tế cơ mà, sẽ có ngày tôi bóc tách được quy luật vận hành của thế giới, vì sao nước này ghét nước kia nhưng lại thân nước nọ, làm thế nào để ngăn ngừa chiến tranh, củng cố hoà bình, vân vân và mây mây. Những ước vọng đều dần vỡ tan tác theo tuổi đời và tuổi nghề. Kỳ vọng hiểu được thế giới cũng giống như Tôn Ngộ Không muốn chạy khỏi bàn tay Phật tổ vậy. Nhưng dù thế, tin tức quốc tế trong tôi vẫn mặc định gắn với những khái niệm lớn lao. Tất nhiên rồi, chúng ta đang nói về quan hệ giữa các nước, nếu không bàn về những vấn đề tầm vóc cấp quốc gia trở lên chẳng lẽ nói chuyện bó rau mua ở chợ hôm nay có hai con sâu.
Nhưng hành trình của năm 2018 đã cho tôi gặp những người thực sự sống và trải qua những sự kiện tôi vẫn tường thuật “vẹt”. Trò chuyện với họ khiến tôi nghĩ về một góc độ gần hơn của quan hệ quốc tế và có ý nghĩa hơn những mớ rau: những con người.
Một nhà báo người Mỹ thừa nhận với tôi anh có sở hữu súng. Không chỉ là chuyện an ninh, anh giải thích, nhiều người Mỹ coi việc sở hữu súng là một quyền cá nhân, gắn liền với truyền thống văn hoá và lịch sử. À, thế thì cũng na ná như đốt vàng mã ở Việt Nam, bảo sao cũng khó giải quyết tương tự. Một nhà báo Catalonia cho tôi xem phản ứng của gia đình và người thân chị trên Facebook sau khi vùng này tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha – có buồn, có vui, có hoang mang, phẫn nộ, có sự chân thật hơn bất cứ dòng breaking news nào.
Thật kỳ lạ, khi tôi hạ tầm mắt của mình gần lại, dường như thế giới của tôi rộng ra hơn một chút.
Vậy đến đây, tôi đã yêu nghề báo chưa? Chà, đến đây, tôi hy vọng sẽ không gặp phải câu hỏi này nữa.
Vài tháng trước, tôi được đón một nhóm khách đặc biệt - những người bạn đến từ Quỹ ASEAN. Họ đến Việt Nam công tác và nhân tiện mang đến cho tôi phần thưởng của một cuộc thi sáng tạo nội dung truyền thông mạng xã hội mà tôi may mắn giành giải cao nhất.
Hôm ấy là một sáng thu mát lành, chúng tôi ngồi trong một quán cafe góc đường Lê Duẩn, nói chuyện về đổi thay và bất biến. Các bạn nói với tôi Quỹ ASEAN đang đẩy mạnh khai thác mạng xã hội để bắt kịp xu thế truyền thông hiện đại. Cuộc thi tôi tham gia chỉ là khởi đầu, tiếp theo còn có kế hoạch về một mạng lưới KOLs Đông Nam Á để lan toả đến người trẻ. Tôi giới thiệu cho các bạn về những hương vị Việt - câu trả lời cho thắc mắc về việc các thương hiệu toàn cầu như Starbucks hay McDonald sao lại khó khuấy đảo thị trường Việt Nam.
Sẽ có những dòng chảy thời đại không thể cản ngăn và cũng có những giá trị mãi mãi không bị gạt sang bên lề. Trong nghề báo này, và trong thời điểm có quá nhiều biến chuyển, tôi cần làm gì để không bị tụt lại phía sau?
Đây là câu hỏi tôi muốn đầu tư tìm câu trả lời hơn vào lúc này, hơn là đằng đẵng tìm cách gọi tên một cảm xúc. Tôi chưa từng nghĩ bản thân sẽ làm báo, cũng không biết đến cuối cùng có thể dõng dạc tuyên bố mình yêu nghề báo hay không, nhưng tôi tin chừng nào tôi còn khát khao học hỏi và tiến về phía trước, nghề tôi làm sẽ là nghề đúng.