Chiều vội vã... Những chiếc xe xả khói mịt mù vào lòng đường cùng mớ tạp âm hỗn độn, lòng người hối hả ngược xuôi. Ráng chiều len vào từng đôi mắt, ai cũng cố lách mình ra khỏi đám đông chật chột, tìm cho mình một khoảng nhỏ thoát ra. Nhưng tôi thì vẫn nhẩn nha giữa những ùn tắc trong giờ cao điểm, vì tôi đang được là tôi, sống với ước mơ đổi đời nhờ con chữ, sống với những kiên định chọn lựa nghề nghiệp và nơi đặt chân đến của đời mình. Thì hà cớ gì tôi phải cố thoát ra giữa những tất yếu hàng ngày nơi Thủ Đô hoa lệ này. 

Trong chúng ta, ai rồi cũng có những ước mơ được ủ mầm từ khi tuổi còn nhỏ, hoặc chí ít, ước mơ ấy được nhen nhóm bởi những vấp váp trong đời. Tôi cũng nằm trong quy luật đó, tôi có ước mơ mình là một Bác Sỹ, hình ảnh người con gái nhỏ nhắn được khoác lên mình tấm áo blu trắng, chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đủ làm tôi rộn ràng. 

Ước mơ bao giờ cũng đẹp, nhưng hiện thực đôi khi như làn gió mạnh xô ngang. 

Tôi sinh ra trong hộ ghèo của xã, bố vùi mình trong những cơn say lất ngất, mượn rượu để quên đời, lẩn trốn cái nghèo trong những đợt ngà ngày say, khi tỉnh rượu bố đi tìm chén mới, một vòng tròn được bố lặp lại theo những ngày tháng năm. Mẹ tôi tảo tần, vất vả ruộng đồng, cái đói nghèo hằn lên trên từng nếp gấp khắp khuôn mặt gầy cùng với những vệt đồi mồi phủ đầy lên cả hai tay. Từ khi tôi sinh ra mẹ đã tảo tần như vậy, đôi vai người mẹ nghèo gánh cả gia đình có tận năm miệng ăn. Tôi nghe mẹ kể: “ Trước bố làm phụ hồ, chèo chống cả bốn miệng ăn, mẹ đang có con trong bụng như có động lực để cho bố làm việc nhiều hơn. Đời mà, đâu có được bình yên. Bố bị ngã, và đôi chân không đủ vững, trụ cột trong nhà vì thế phải nhường vai”. Trong lời mẹ kể, tôi nghe được tiếng nấc nhẹ, trong đôi mắt chợt nhạt nhòa giọt sương. 

Mẹ nói tôi gan lì từ trong trứng, không dễ bảo như hai anh. Ngày sinh tôi cơn chuyển dạ kéo dài từ chiều đến tận sáng hôm sau. Tôi sinh ra nhỏ bé lọt thõm trong mớ khăn quấn vội, vậy mà tiếng khóc vang nhà át cả tiếng gáy của mấy chú gà trống choai đứng ngất ngưởng trên đụn rơm đầu ngõ. Sáng đó trời đang chớm thu, mặt trời dịu dàng, gió thổi nhẹ hanh hao, làm cơn đau của mẹ cũng nguôi dần. Mẹ cười hạnh phúc nhìn tôi trong vòng ôm của bà đỡ đầu làng. Cũng lâu lắm rồi ngày tôi sinh cũng là ngày bố tỉnh, bố đi ra đi vào đứng ngồi không yên, những ngón tay trơ gầy nứt nẻ bám vào nhau rồi xoắn lại như nỗi lòng của bố khi thấy vợ vật vã trong những cơn đau. Công bằng mà nói, bố tôi thương vợ thương con, nhưng bất lực đời người đã kiến một người đàn ông trầm tư chững chạc, phải trốn vào hình bóng của một kẻ vì rượu mà say. Nghe tiếng khóc lanh lảnh của tôi, những vết nhăn chằng chịt trên khuôn mặt khắc khổ, và đôi bàn tay đen đúa mới dần được giãn ra, hớn hở. Hôm đó hai anh tôi cũng ở nhà trông ngóng cô em út. Tiếng cười bình an, đan trong tiếng khóc lanh lảnh đầu đời của tôi.

Khi tôi vào lớp ba, anh đầu thôi học, anh học hết cấp hai ở nhà đi học nghề sửa chữa xe máy. Khi tôi vào lớp sáu, anh trai thứ hai cũng thôi học, không phải anh không học được, nhưng vì cái nghèo anh nhường lại sự học cho tôi. Tôi còn nhớ mãi câu anh nói “ Nhà mình nghèo, vai mẹ gầy không ghánh nổi năm miệng ăn. Thôi thì anh nghỉ học cùng anh Hai lo phụ mẹ. Út học giỏi nhất nhà ráng sức học nghe không!” Cái xoa tay lên đầu tôi nói thay anh lời tâm sự, anh đi ra sau nhà vác chiếc cuốc cũ mèm hướng thẳng ra ruộng ngô. Ngày đầu tiên thôi học, anh thả người rơi xuống nỗi buồn vời vợi. Trời chiều nhập nhoạng không nhận rõ mặt người anh mới lững thững về nhà. Mẹ biết nên chỉ dịu dàng “ Rửa tay chân vào ăn cơm cho nóng, Út nó đang chờ con ăn cùng”. Trong nhà, tiếng bố vẫn ngáy đều đều.

Càng lớn tôi càng có quyết tâm mãnh liệt: Học cho mình và học cho cả những gửi gắm từ các anh. Tôi học suất sắc nhất trường cấp hai. Thi vào cấp ba tôi đứng tốp đầu điểm đầu vào. Trên con đường mòn đất đỏ, lối đi đến trường có một triền đê,   ở đó luôn có bóng dáng một cô bé gầy miệt mài đạp chiếc xe cọc cạch đều đặn đến lớp. Nhà tôi cách trường hơn mười lăm cây số, nhưng khoảng cách đó rất gần với ước mơ đang hình thành trong tôi. Đại học Y Hà Nội. 

Trời nắng đất đỏ bụi mờ đường đi, những cơn gió từ triền đê thôi mạnh, bụi đỏ quạch bám theo tôi về nhà. Trời mưa, đường trơn hùi hụi, chiếc xe đạp vùng vằng không chạy thẳng trên đường, khi thì ngoằn nghèo, khi thì trượt đà thả tôi ngã sõng xoài trên con đường sình lầy đất đỏ đặc trưng. Gió mưa, nắng rát va vào tôi trên đường đi học, nhưng chúng lại giúp tôi thêm vững vàng trên con đường định hướng tương lai. Bác Sỹ, tôi vẫn luôn ước mơ về điều đó.

  • Con có quyền sống và làm những gì con thích. Đời con sướng hay khổ, con có quyền lựa chọn. Nhưng nhà mình bây giờ không có đủ điều kiện để con học Đại Học Y
  • Con...
  • Đất thủ Đô phồn hoa đắt đỏ... Chi bằng con chọn Sư Phạm thì hơn. Tiếng mẹ ngập ngừng, nhưng trong từng con chữ thả ra của mẹ mang đầy sức ấn định. Có lẽ mẹ cũng đã suy nghĩ rất nhiều.
  • Nhưng con chỉ thích học Y thôi, mẹ... Mẹ thương con. Tiếng tôi vỡ ra ào ạt nước.
  • Y dài quá, sáu năm, Sư Phạm chỉ có bốn năm là con có thể đi làm, tự nuôi bản thân con nhàn nhã. Con gái chỉ nên vậy thôi. Học Y dài quá, chưa kể chuyện học phí, con sẽ xoay xở thế nào để bước hết sáu năm. Rồi những tất bật trong nghề, con thì nhỏ bé quá. Mẹ lo... Mẹ bỏ đi để lại tôi đằng sau cùng tiếng nấc, mẹ không nhìn lại. Tôi biết mẹ cũng đang vụn vỡ trong lòng.

Ngày báo điểm, tôi đậu cả Y Hà Nội, đậu cả đại học Sư Phạm như mẹ muốn, nhưng lòng tôi đã quyết, tôi vẫn chọn Đai Học Y

  • Thôi kệ con Út, thích học trường nào thì học. Giọng bố vẫn ngà ngà méo xệch.
  • Ông có kiếm được đồng nào cho nó đâu mà nói, gia đình không có, nó học hành ngoài đó phải làm sao? Bố lặng im. Mọi lần bàn chuyện gia đình bố luôn là người đứng ngoài câu chuyện, chỉ có lần này, có lẽ vì vui mừng nên bố lỡ dại bước vào trong. Để buộc phải nhận diện bản thân bất lực, trong những định hướng của chính con mình.
  • Con cũng đã học xong nghề rồi, con vẫn đang đi làm, con sẽ hỗ trợ em. Anh Hai tôi lên tiếng.
  • Con cũng đang làm được ít tiền, con sẽ phụ mẹ nuôi em. Anh Ba tôi phụ vào.
  • Con sẽ đi làm thêm mẹ ạ. Mẹ cho con lần này được quyết mẹ nhé. Tôi hào hứng ôm tay mẹ thật chặt.

Nhìn những khuôn mặt kiên định, và ánh mắt lảng tránh của chồng, mẹ tôi gật đầu lo lắng. Tôi biết mẹ thương tôi. 

Ngày đầu nhập học tôi như người bước lạc giữa muôn vàn ngổn ngang. Hạnh phúc, lẫn tự hào, có chút dỗi hờn vì hoàn cảnh bản thân. Vẫn biết con đường phía trước còn lắm gian nan, vất vả. Nhưng vẫn là tôi, gan lì trong chính hạnh phúc được lựa chọn của mình.

Nơi tôi chọn trọ là dãy nhà lụp xụp mái tôn, đường điện như vài ba con nhện dệt cùng nhưng không đồng quan điểm, bất tuân theo luật, rối tung. Những mảng tưởng hở hoắc phơ bày từng thớ ghạch cũ lâu năm. Những mảng sơn quét vội bong tróc như những mảng da người viêm nhiễm. Cả khu trọ rầu rĩ, khuôn mặt khắc khổ, người với người bước đi lầm lũi với mớ suy tư đang chất chứa trong lòng. Đôi khi những tất bật lo lắng va vào nhau bằng sự đồng cảm. “ Nhà chị bao giờ được ra viện?” , “ Anh nhà chị đỡ chưa?”, “ Cháu nó bao giờ ra viện”... Khi con người ta đang có mối quan tâm lo lắng khác, thì hình thức bên ngoài như con gió thoảng qua. Mát cũng được, mà hầm hập nóng cũng chẳng sao. Khu trụ có xộc xệch thiếu thốn đến cỡ nào cũng mặc, cái mọi người trong khu trọ cần là giá rẻ và có chỗ che nắng che mưa, đường đời còn dài, tương lai còn vất vả, dè xẻn được đồng nào hy vọng bấy nhiêu. Tôi cũng vậy, chỉ có điều tôi không đến đây trọ để chăm người ốm, tôi đến đây trọ học để đỡ tốn tiền hơn.

Sống trong khốn khó con người ta cũng có bài học cho riêng mình. Tôi trân quý hơn những gì tôi đang có, tôi đồng cảm hơn với những gia đình nghèo đang lao đao vì bệnh tật. Tôi cố gắng hơn vì những hoạch định tương lai. Và tôi thấy vất vả hiện tại của tôi không còn là khổ cực. Tôi đang được sống khỏe mạnh, tôi đang có những người yêu thương tôi, tôi đang được sống với ước mơ của mình. Và tôi biết trong cơn say của bố, trong đường cày của mẹ, trong những nhem nhuốc dầu luyn của các anh đều có sự yêu thương che chở dành cho tôi. Tôi hạnh phúc.

Năm thứ nhất tôi đi làm bưng bê, rửa chén vào đêm cho các quán cafe. Từ năm thứ hai tôi đã được thầy chủ nhiệm giới thiệu đến phòng khám tư làm công việc dọn dẹp, lau chùi. Đó là công việc làm thêm tôi yêu thích, vì nó có ích cho ngành học của tôi. Sang hai năm cuối, tôi bận học không còn thời gian để đi làm thêm nữa, những suất học bổng cũng không giúp vơi đi phần nào những nhọc nhằn từ mẹ. Nhưng tôi biết, bố mẹ tự hào về tôi. Mỗi lần gọi điện về, tiếng ho của mẹ dần xuất hiện, tiếng của bố cũng bớt lè nhè. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa vì thời gian luôn thua tuổi già của bố mẹ.

Con đường về nhà thơm mùi hoa sữa, sang Thu rồi Hà Nội ngọt ngào hơn. Ở nơi đó đang có bố ngồi uống trà, và có người mẹ tảo tần đang chuẩn bị đồ để tôi về cùng ăn.

#nghedunghaysaingaigikhongthu