Đôi khi chúng ta bị cuốn vào vòng quay cuộc sống với những bộn bề, lo toan về cơm áo gạo tiền, về danh lợi địa vị trong xã hội mà quên mất rằng việc mình được chào đời và tồn tại trên thế giới này đã là một điều may mắn, đã là một điều vô cùng diệu kì.
Quả thực là như vậy, khi chúng ta dần trưởng thành, dần phải tự lập và bươn chải giữa dòng đời, đã không ít lần ta cảm thấy bất lực và muốn buông xuôi cuộc sống này. Đã có lúc nước mắt ta bất giác rơi khi một mình dắt xe hết xăng giữa trời mưa như xối nước, giữa dòng người tấp nập, đã có lúc ta phải nén nước mắt, nến lòng tự trọng, nén cái tôi vào trong khi nghe sếp trách móc dù mình không làm gì sai, đã có lúc khóc đến mức ngủ thiếp đi khi cảm thấy cô đơn và lạc lõng giữa chốn thủ đô. Những lúc như vậy, ý nghĩ từ bỏ cuộc sống này là len lỏi trong trí óc của tôi. Nhưng rồi sau cơn mưa trời lại sáng, dù hôm nay có giông tố đến như thế nào thì ngày mai vẫn là một ẩn số, tôi vẫn luôn hy vọng về một ngày mai tươi sáng và rực rỡ hơn, tôi vẫn luôn cố gắng để ngày mai trở thành một phiên bản tốt nhất của mình. Những lúc như vậy tôi lại nhớ đến việc làm thế nào mình có mặt ở trên cuộc đời này. Đó là chín tháng mười ngày mẹ mang nặng đẻ đau, nghén lên nghén xuống chẳng ăn được gì, đó là mẹ phải chịu nỗi đau gãy mấy cái xương sườn cùng một lúc để tôi được chào đời, là những gì mà mẹ đã hy sinh để tôi có một cuộc sống đủ đầy và trưởng thành được như bây giờ. Dù khó khăn, vất vả, đau ốm như thế nào thì mẹ vẫn cố gắng vì tôi vậy cớ sao tôi lại không thể cố gắng vì mẹ.
Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến, từng ngày trôi qua với biết bao biến cố, bao áp lực, khó khăn, mất ngủ và cả những lần dù mệt nhưng vẫn cố gắng gượng để đi làm thì tôi cũng đã rơi vào những tháng ngày có thể coi là trầm cảm mức độ nhẹ. Mỗi sáng thức dậy tôi sợ việc phải bước chân ra khỏi nhà, sợ nhìn thấy mọi người, sợ giao tiếp. Toi cảm thấy như nghẹt thở khi một ai đó đang nhìn mình, tôi không muốn nói chuyện và chỉ muốn trở về nhà thật nhanh, thu mình trong căn phòng trọ chật hẹp ấy. Chính những biểu hiện đó khiến tôi bắt đầu nhận ra mình không bình thường và tôi quyết định giấu bố mẹ. Tôi đi khám một mình trong lo sợ, tôi sợ những câu hỏi dồn dập của bác sĩ. Và đúng như những gì tôi nghĩ, tôi mắc bệnh trầm cảm ở người trưởng thành. Có một phương pháp hiệu quả nhất mà tôi tìm hiểu được đó chính là trò chuyện và chia sẻ với những người yêu thương mình để chữa lành những vết thương về mặt tinh thần ấy. Tôi biết nhưng tôi đành bất lực bởi một mình nơi chốn thủ đô tôi đâu thể dễ dàng kiếm tìm cho mình một người đủ tin tưởng để tôi sẻ chia, tôi cũng đâu thể gọi cho bố mẹ để than thở, giãi bày những gì mà mình đã phải trải qua và ... tôi cũng đâu thể rời bỏ cuộc sống này được. Căn bệnh ấy đến với tôi một cách nhẹ nhàng, từ từ mà chính tôi cũng không nghĩ một ngày mình sẽ mắc phải. Một cô bé ngây thơ, năng động, tích cực, luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân khi được xuất hiện trên thế gian này. Vậy mà tôi bây giờ lại sợ xã hội, sợ giao tiếp.
Cuộc sống của tôi vẫn thế, vẫn phải thức dậy vào mỗi buổi sáng, vẫn phải đi làm, đi học thêm một vài thứ tiếng, vẫn phải mỉm cười khi gọi điện về cho bố mẹ. Nhưng cứ đêm đến, khi ngoài đường xe cộ đã vắng hẳn, không còn tiếng còi xe hay tiếng nói chuyện. Một mình giữa không gian im ắng đến lạ thường ấy tôi có chút sợ nhưng rồi lại cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng đến lạ thường. Tôi lắng nghe được tiếng trái tim mình đang đập, tôi lắng nghe được từng hơi thở của mình và đặc biệt là tôi còn có thể lắng nghe những suy nghĩ đang rất lộn xộn trong trí óc của mình. Tôi viết ra hết tất cả những gì mình đang lo lắng, đang ngẫm nghĩ, đang sợ hay đang vui. Tôi đặt mục tiêu mỗi ngày sẽ làm được 5 điều tốt và mỗi tối chính là khoảng thời gian mà tôi liệt kê lại những gì mà mình đã thực hiện được trong ngày. Ví dụ như hôm nay tôi thấy 2 cái vỏ chai trên đường đi bộ, tôi đã nhặt lên và vô tình gặp trúng một bác đang thu lượm ve chai hay lúc sáng tôi được một bạn thu ngân trả lại thừa tiền cho mình, mãi đến lúc trở về nhà tôi mới phát hiện ra và chạy lại cửa hàng trả cho bé nhân viên ấy. Có thể nó chẳng là gì nhưng mỗi khi nghĩ lại tôi bất giác mỉm cười khi làm những việc ấy, tôi cũng mong mỗi ngày trôi đi tôi làm được một cái gì đó trước hết là khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc và sau đó là có ích cho mọi người trong xã hội.
Bẵng đi một thời gian tôi cũng chẳng đi khám lại, nhưng tôi biết bệnh của tôi đã khá lên rất nhiều, tôi cảm thấy thoải mái mỗi khi thức dậy, tôi tìm được niềm vui từ những điều dù là nhỏ nhoi nhất. Tôi thường xuyên gọi về cho bố mẹ hơn, mua quà cho gia đình dù chẳng có dịp gì, tôi cũng thường xuyên bắt xe về Vinh chơi 2, 3 ngày rồi lên lại Hà Nội. Tôi nhận ra rằng, gia đình là liều thuốc hiệu quả nhất với mình, chỉ cần nhìn thấy bố mẹ cười khi được ăn một món gì đó mới, được con gái mua quần áo mới cho hay đơn giản chỉ là nhìn thấy bố mẹ còn bên cạnh đã là một niềm hạnh phúc mà tôi sẽ trân trọng suốt đời.
Tôi biết là bạn cũng rất mệt mỏi, rất áp lực và đôi lúc có ý định muốn buông xuôi cuộc sống này nhưng tôi muốn nói với bạn rằng hãy thử nhìn lại mà xem. Có biết bao người đến tuần thai cuối cùng vẫn chẳng thể sống sót, có biết bao người sinh ra đã không được bình thường, bao nhiêu người vẫn ngày đêm gồng mình chống chọi với bệnh tật. Một chút áp lực đã là gì, ít nhất chúng ta còn có cơm để ăn, nhà để ở và có gia đình để quay về. Mỗi người một số phận, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tôi không thể nào hiểu được hoàn cảnh của bạn nhưng ít nhất tôi biết sự hiện diện của bạn đã là một điều may mắn và vô cùng diệu kì trên thế gian này rồi. Vậy nên hãy cố gắng để tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến và mỉm cười bạn nhé. Ngày mai mặt trời vẫn mọc, thời gian vẫn trôi và tôi tin bạn sẽ làm được. Cố lên!