Ngày nối ngày, tháng tiếp tháng, cứ như thế từng giây từng phút cứ chậm rãi trôi qua mà không chờ đợi bất kì điều gì. Lẽ trong cái vòng lặp thời gian ấy, đối với mỗi người khác nhau, đang ở trong những nhịp sống nhanh chậm khác nhau sẽ có định nghĩa riêng về hai từ “ngày mai.
Ta sẽ cảm thấy háo hức, chờ đợi khi “ngày mai” ấy là một ngày trọng đại trọng đại trong cuộc đời; ta cũng sẽ háo hức khi ngày mai ấy chỉ đơn giản là một ngày mới, được đi học, đi làm, gặp người ta yêu thương, làm việc ta yêu thích. Nhưng cũng đôi khi hai chữ “ngày mai” với nhiều người lại cất lên nặng trĩu; chỉ “ngày mai” thôi, nốt ngày mai nữa ta đã tốt nghiệp rồi, sẽ không còn tiếng cười đùa chạy dọc hành lang hay tiếng giảng bài giữa những ngày hè nóng nực; chỉ “ngày mai” thôi nếu không thanh đoán đủ hóa đơn tiền nhà, tiền điện, tiền nước ta phải gói ghém hành lý lê từng bước chân mệt mỏi tìm chỗ trú qua đêm; nốt một “ngày mai” rồi lại “ngày mai” nữa, không biết còn bao nhiêu “ngày mai” để ta nhìn thấy ánh mặt trời, không biết còn bao nhiêu “ngày mai” nữa phải chịu đựng cơn đau đớn giày vò của bệnh tật. Hai chữ “ngày mai” tuy ngắn mà đối với mỗi người lại mang đến cảm giác khác biệt; kẻ đầy mong chờ, hy vọng; kẻ lại đầy mệt mỏi, chán trường, lo sợ. Song, thời gian vẫn cứ trôi, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, mọi xúc cảm hỉ, nộ, ái, ố là những thứ ta không thể trốn tránh. Vậy tại sao ta không sống lạc quan, vui tươi thay vì lãng phí thời gian sống vào nỗi buồn vô tận? Hãy nhớ rằng ngày mai còn tới, ta còn cơ hội để sống ý nghĩa từng khoảnh khắc, hãy để cho “ngày mai” ấy tuyệt vời hơn ngày hôm nay của bạn; dù rằng có bao nhiêu rắc rối, khó khăn, thử thách ta hãy cứ tự tin đối mặt, còn cả tương lai rất dài phía trước không sóng gió nào ta không thể vượt qua, không nỗi đau nào làm ta mãi gục ngã.
Một chị Dậu sống trong cảnh Xã hội thực dân nửa phong kiến, trong cái cảnh “một cổ hai tròng” chịu sự đàn áp, chịu nỗi đau phải bán đàn chó mới đẻ, bán đứa con gái dứt ruột đẻ ra đổi lấy những đồng bạc lẻ đóng sưu nộp thuế cứu chồng khỏi đòn cũng phải tin vào “ngày mai”, phái cố mà gắng gượng, có lẽ bởi chị biết nếu bản thân gục ngã, nếu buông xuôi thì bầy con thơ biết nương tựa vào ai, người chị đầu ấp tay gối sẽ còn phải chịu bao nhiêu trận đòn thừa sống thiếu chết bởi những tên cai lệ. Một anh thanh niên sống trên đài khí tượng trọng “Lặng lẽ SaPa” giữa mây núi bạt ngàn, chỉ có một mình, làm một cong việc lặp đi lặp lại mà ta nghĩ là phát chán, nhưng trái lại tình yêu với cuộc sống, với công việc và hiểu thấu ý nghĩa về việc mình đang làm mà mỗi “ngày mai” tới với anh thật đặc biệt, luôn tràn đầy niềm vui và niềm lạc quan với cuộc sống. Ngay cả trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, phải trải qua cuộc sống thiếu thốn từ lương thực đến thuốc men, “áo rách vai”, “quần vài mảnh vá”, “chân không giày”, băng qua những con đường rừng gập ghềnh, mưa gió bão táp trong những “chiếc xe không kính” cũng chẳng hề làm các chiến sĩ gục ngã, họ tin vào “ngày mai còn tới”, kháng chiến còn bền bỉ và độc lập sẽ đến trong tương lai mà thôi. Và đến thời nay, mỗi người luôn mang một gánh nặng riêng về những nỗi lo giấu kín, quan trọng là thái độ con người khi đối diện với cuộc sống, thời nào cũng vậy, niềm tin và sự lạc quan là nên nền tảng cho thế giới tươi sáng và tốt đẹp.
Tin vào “ngày mai” còn tới mang theo làn gió mát cho những tâm hồn vô định chính là tin vào bản thân mình, tin vào ý chí và khả năng của mình, tin vào cuộc đời này sẽ không làm ta thất vọng. Đừng để giọt buồn tích tụ tạo thành cơn sóng lớn trong lòng, “ngày mai” sẽ tới và ta sẽ lại sống tiếp ngày mới ấy thật giá trị, ý nghĩa.