Tôi nhớ mình cách đây chỉ tầm một tháng trước, khi mà đang món mén đến gần bờ vực của sự trầm cảm.

Mẹ mất khi trong lòng chưa có một chút chuẩn bị, dẫu rằng tôi chính là người nắm rõ bệnh tật của mẹ nhất chỉ sau bác sĩ mà thôi. Từ lúc mẹ bệnh, hình như tôi chính là người luôn túc trực bên mẹ kể cả ở bệnh viện hay là ở nhà.

Tôi không phải khoe bản thân chính là đứa con ngoan để cho mọi người khen về sự hiếu thảo của bản thân, tôi chỉ muốn nói cho mọi người biết dù cho đã nắm rõ tình hình những vẫn không thể thoát nổi cái bóng của việc mẹ đã mất – một người vô cùng thân thiết trong gia đình.

Cũng như bao người khác, mẹ chính là một người mà bạn có thể chia sẻ tất cả mọi thứ, là người có thể lắng nghe và đưa ra nhiều lời khuyên. Nhưng giờ đây “cái nơi ấy” đã không còn nữa, tôi như thấy cả thế giới này dần đen tối hơn, và chẳng còn ai có thể hiểu rõ mọi chuyện của mình nữa.

Tôi nhớ mình của những ngày đó, ăn chẳng buồn ăn, ban ngày chẳng thiết tha nói chuyện, đêm về thì lại gối ướt đẫm. À các bạn biết không, tôi còn gặp một chuyện lớn cùng lúc chuyện của mẹ, đó là người mà dự định cùng tôi đám cưới trong năm nay – nếu như không xảy ra việc mẹ bệnh và mất – bị cả dòng họ cấm cản không cho quen. Hai sự việc lớn cùng lúc đổ dồn lên đầu, cùng những lời nói của mọi người, thêm không có người chịu lắng nghe, tôi đã tưởng mình sẽ kết thúc cuộc đời tận hẳn mấy lần.

Tiêu cực lắm đúng không, nhưng sự thật lúc đó tôi chính là người như thế!

Bạn hiểu cảm giác một người muốn chết nhưng trong lòng còn nhiều gánh nặng nó sẽ thế nào không?

“Sau này thay mẹ chăm sóc cho ba và em gái. Anh hai có gia đình rồi nên mẹ trao quyền lại cho con, hãy thay mẹ.” 

Mẹ nắm tay tôi rặn ra từng chữ như thế đấy. Mẹ đã dùng những sức lực cuối cùng để dặn dò, ngay cả khi bên bờ vực cái sông và cái chết mẹ vẫn là một người phụ nữ cho gia đình. Còn tôi thì sao, có chút hối hận vì đã nhận lời, vì bây giờ tôi không thể mạnh dạn đi đến với mẹ.

“Anh ơi em buồn quá, chắc em đi theo mẹ cho đỡ mệt lòng.” Tôi nhắn cho anh vài chữ khi mà nước mắt đã đẫm gối, với tôi ngoài việc khóc ra thì chẳng còn làm điều gì nổi.

Anh ngay lập tức nhắn lại: “Nếu em đi, ngay lập tức anh chạy xe ra đâm vào xe tải để đi cùng em.”

Một đứa tiêu cực gặp một người đã bất lực vì áp lực dồn nén, giống như hai con thiêu thân cứ bất chấp ngọn lửa mà lao vào. 

Tôi thương anh nên sẽ không để anh tổn hại một chút nào.

Tôi cứ thế sống, sống vì còn nhiều người muốn mình sống, sống vì lời hứa với mẹ và sống vì cả anh.

Tôi sống một cách buông thả. Họ hàng đều nhìn thấy tôi là một đứa ngoan hiền lễ phép gỏi giang, nhưng đó là cái tạo hình mà tôi đã xây dựng suốt hơn hai mươi năm trời, giờ ai cũng tin như thế xem ra cũng không tệ đến nỗi nào.

Tôi quan hệ trước hôn nhân. Điều đó đối với lối sống hiện đại bây giờ chẳng có gì để bàn cãi nhưng với một gia đình thuộc kieerur truyền thống, à không phải cả một dòng họ lớn thì đó chính là sự sỉ nhục. Mà khoan, làm gì có ai biết đâu, tôi nghĩ bây giờ chắc chỉ có mẹ mới biết rõ những gì tôi đang làm và giấu diếm.

Tôi nhìn đời bằng cách nhìn tiêu cực nhất có thể. Châm ngôn sống từ “Chỉ cần bản thân vui vẻ thì mỗi ngày đều là ngày lễ” thành “Mỗi ngày còn thở là một ngày áp lực lại đến.”

Tiêu cực lắm đúng không?

Tôi dám chắc khi có ai đó đọc lên những dòng tôi đang viết đây sẽ cảm thấy nó lạc đề, sao nó toàn gieo rắc mấy cái suy nghĩ tiêu cực hư hỏng, không lẽ định đầu độc đọc giả sao! Nhưng bạn ơi, khi bạn đã nằm ở tận cuổi cùng của áp lực và sự khổ đau thì chẳng còn gì khiến bạn suy sụp được cả.

Tôi từng nghe một câu nói trên chương trình postcard Tri kỉ cảm xúc thế này: “Khi bạn muốn quên đi cảm giác đau đớn này đi thì hãy làm cho cảm xúc mình thêm đau đớn hơn bởi những việc lớn hơn.” Tôi không chắc nguyên văn nó là như thế nhưng chắc cũng đại loại như thế. Và nó hiện đang được áp dụng trên bản thân tôi, một cách rất đúng đắn.

Khi bạn trải qua sự việc khiến bạn tổn thương lớn hơn bạn sẽ chẳng còn nhớ đến cái tổn thương vừa trải qua thế nào, bởi đó chỉ là điều nhỏ nhặt. Sau này khi gặp những tổn thương khác bạn cũng có thể nhìn nó một cách xem thường – theo cái nhìn của kẻ bất cần đời như tôi đây hoặc là theo cách nhìn của những người trưởng thành.

Nói chung tiêu cực là điều không thể tránh khỏi khi bạn tồn tại trên đời này, nhưng nó lớn hay nhỏ đều tuỳ thuộc vào cách bạn nhìn nhận nó như thế nào, bạn sẽ chấp nhận đầu hàng trước nó hay dám đứng lên chống lại đều do quyết định của bạn. 

Tôi cũng không chắc bản thân bây giờ đã vượt qua cái tiêu cực của bản thân hay chưa, có còn nghĩ đến cái chết hay không nhưng tôi vẫn muốn nhắn nhủ đôi lời đến các bạn: “Nếu bị dồn nén đến không thở nỗi hãy cứ cho phép bản thân mình được buông xuôi, để cảm xúc có thời gian lắng đọng, để bản thân có thể thực sự nghe thấy tiếng lòng, để có giây phút được sống đúng với chính con người mình mà không phải lăm lăm chiếc mặt nạ. Hãy cứ buông xuôi. Nhưng sau đó, hãy dũng cảm đứng dậy và đối mặt, lúc đó bạn chắc chắn sẽ phải thốt lên rằng: Ồ thì ra mình còn có thể mạnh mẽ đến như thế!”

Hãy nhớ rằng, nếu hôm nay bạn chấp nhận buông bỏ thì sẽ chẳng còn thấy được ánh bình minh của ngày mai sẽ đẹp như thế nào!

Chúc bạn luôn an nhiên và bình tĩnh với mọi khó khăn trên cuộc đời này.

Hãy nhớ rằng ngày hôm nay qua đi thì ngày mai sẽ lại đến! 

#haynhorangngaymaicontoi