“Ầu ơ…

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu đời đắng cay.”

Từng dải âm thanh da diết, mềm mại như vừa bay bổng trong không gian, vừa bồng bềnh nơi giấc chiêm yên lành thẳm sâu tận tâm hồn trẻ thơ của bé Châu. Bà nội không ngừng tay quạt với nụ cười hiền hậu trên gương mặt đã in hằn nét tần tảo qua từng nếp nhăn. Cả những chấm đồi mồi mà Châu từng khẽ khàng đặt lên vài chiếc hôn cũng thân thương quá đỗi. Khúc hát này, bà đã ngân nga suốt từ thuở bé vừa mới lọt lòng. Một lần chuyện trò vu vơ dưới mái hiên nhà, nó bất chợt hỏi bà:

-Bà ơi, ngày xưa bà có hát những câu ca của bây giờ để ru mẹ cháu không ạ?

-Có chứ, kho tàng chứa hàng trăm câu ca dao, hát ru ấy còn gắn liền cả với tuổi thơ bà cơ mà. – Bà dịu dàng đáp, nếp nhăn trên khóe môi hiện rõ hơn một chút.

Châu nghe vậy, cũng mỉm cười, lim dim đôi mắt mơ màng rồi thiếp đi lúc nào không hay. Có lẽ cô bé đang đắm chìm trong tiếng ca êm đềm, da diết của bà, trong hồi ức về bao chiều mải mê thả diều nơi cánh đồng bao la mà quên giờ về; hay mỗi sớm ban mai tung tăng đến trường với bông hoa sứ tinh khôi, ngát hương bên đường cài trên mái tóc. Đôi khi, bé băn khoăn tự hỏi chẳng rõ những tiếng thủ thỉ ấy có gọi được vầng trăng lửng lơ mỗi đêm tới sát bên cửa sổ phòng mình hay không, hoặc sẽ biến em thành nàng công chúa lộng lẫy trong truyện cổ tích chứ?

Lời ru của bà có thể không thần kì đến như vậy đâu. Nó chỉ có một phép màu duy nhất: Vĩnh hằng hóa tình yêu thương mà bà dành cho Châu. Chắc hẳn em vẫn còn nhớ, dịp trung thu năm trước, em đã khóc nức nở khi chẳng có lấy một chiếc đèn ông sao để đi chơi với chúng bạn. Bà tất tả cõng bé chạy khắp xóm, ghé ngang từng cửa tiệm hỏi mua, nhưng mọi nơi đều cho hay chiếc đèn xinh xắn ấy đã “cháy hàng” từ lâu rồi. Hai bà cháu vội vã đến mức khi về tới nhà, một chiếc dép của em đã rơi mất từ lúc nào rồi.

-Hu hu, không chịu đâu, bà phải mua đèn ông sao cho cháu, tìm lại cả chiếc dép kia nữa!

Bà đưa tay quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, mái đầu muối tiêu như bạc trắng hơn dưới ánh trăng khuya:

“Ừ ừ, để bà đi tìm ngay đây”

Nói rồi, bà hối hả, mải miết vừa chạy vừa tìm dọc đường về, cuối cùng cũng mang về chiếc dép hồng đã bám đầy bùn đất. Con bé ngó lơ, phụng phịu;

-Thế bao giờ cháu mới có đèn ạ? Ngày mai đã hết trung thu rồi.

-Được rồi, bà hứa mai sẽ cõng cháu đi khắp nơi khoe đèn ông sao nhé! - Bà âu yếm ôm Châu vào lòng và hôn lên má em.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mười lăm năm trời vụt qua nhanh tựa bước chân bà vội vã chạy đi trong màn đêm năm ấy. Một ngày, Châu bỗng nhận được thư báo trúng tuyển từ một trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Khoảnh khắc đó, hai bà cháu xúc động đến nghẹn lời. Châu vỡ òa trong niềm hạnh phúc vô bờ, còn bà cười móm mém mà hai hàng lệ cũng rưng rưng…

Sớm mai, em lên đường, trước mặt là sân bay thênh thang với cánh cửa tương lai rộng mở. Sau lưng, người bà kính yêu – hậu phương vững chắc cho từng bước đường đời của Châu run run ôm lấy em thủ thỉ:

-Học hành dù có vất vả đến đâu cũng phải nhớ giữ gìn sức khỏe đấy, biết chưa? Khi nào về cũng được, bà đợi mà…

Châu nghẹn ngào, khóe mặt ngấn nước rồi siết chặt tấm ảnh chụp bà cùng nét mặt trìu mến, ngập ngừng cất bước trên hành trình mới.

Qua ô cửa sổ máy bay, em thấy những đám mây lơ lửng giữa bầu trời vời vợi kia như thấp thoáng hình bóng bà đang nhắp môi cười rạng rỡ, tay đong đưa chiếc nôi giữa canh thâu. Và tiếng hát quen thuộc ấy không chỉ là lời ru êm ái, mà còn là tiếng gọi thiết tha, đong đầy mến thương vẫn ngày đêm đánh thức bao ước vọng, khát khao tuổi trẻ trong em dù ở bất cứ phương trời nào.

“Bà không có gì quý giá, chỉ có khúc hát ru là gia sản lớn nhất dành cho cháu. Mong tiếng ca này sẽ ngân vang đến muôn đời, luôn là một phần trong sinh mệnh cháu, không bao giờ tách rời.