Không có việc gì mệt, chỉ có việc vô nghĩa, không vui mà thôi. Cái nào không vui mới là mệt nhất.

      Xin được bắt đầu với chuyện của tôi. Tôi là giáo viên, đã dạy 15 năm - một thời gian không ngắn nhưng tôi quyết định bỏ việc, ngay trong thời điểm mọi thứ ổn định nhất. Nhiều người hỏi tôi tại sao? Một công việc dễ thở, một thu nhập chấp nhận được, và nhất là cái tiếng: giáo viên thủ đô. Sẽ chả ai hiểu lí do. Tôi có nói họ càng không chấp nhận được. Thà cứ im lặng để họ bảo: "hâm" còn hơn. Tôi và họ - hai kiểu người không cùng trường năng lượng thì mãi mãi không thuộc về nhau. Hi

      Chắc bạn cũng nghĩ là do lương thấp, do công việc áp lực,...Đó là phần nổi. Còn phần ẩn sâu từ cả 20 năm trước thì mấy ai hiểu, đó là sự lạc hậu của cả nền giáo dục Việt Nam. Từ nhỏ, tôi là học sinh chuyên Văn, đã nhiều lần đạt học sinh giỏi. Dù được cưng như trứng ở trường song lúc nào tôi cũng băn khoăn, thậm chí sau này bất mãn với cách dạy của thầy cô. Tại sao học sinh cứ phải đọc chép, học thuộc, nhất là phải học mấy bài văn bản lạ hoắc, mấy cái lí thuyết chả áp dụng gì trong thực tế? Tôi đã có lần phản đối bằng việc dám đứng lên tự mình thuyết trình bài học, thế là thoát được 1 tiết đọc chép nhàm chán. Ước mong đơn giản trong tôi là giáo viên hãy để học sinh tự làm. Nhưng rồi, áp lực thi cử cuốn đi làm tôi dần cũng trở thành con vẹt gạo bài như bao bạn, chỉ còn ước mơ vẫn ngầm chảy. Khi lựa chọn vào đại học, tôi không thích Sư phạm, bởi quá ác cảm với cách dạy của thầy cô. Vậy mà ghét của nào trời trao của đó, bố mẹ tôi thay đổi hồ sơ vào phút chót mà không thông báo, làm tôi lại thi Sư phạm và lại đỗ điểm cao (sự đời thật nghiệt ngã). Món nợ nghiệp này tôi đã trả 15 năm sau đó, cộng thêm 4 năm học đại học, 2 năm cao học. Lên đại học vẫn là cách dạy đọc chép như cũ. Các giáo sư đọc cho sinh viên ghi từng câu: "Chúng ta cần chống lại lối học đọc chép". Sự bất mãn suốt bao năm cấp 3 trỗi dậy. Ước mơ thay đổi cách dạy của giáo viên lại sống dạy. Lúc đó, với việc tìm hiểu về phương pháp dạy, tôi nhen dần ước mơ thành một lí tưởng đẹp: mình sẽ là giáo viên có phương pháp dạy mới, mình sẽ thay đổi được sự lạc hậu của nền giáo dục này. Bạn bảo cái gì giữ chân tôi lại tận 15 năm? Đó là lí tưởng cải cách giáo dục đó đấy. Những ngày đầu đi dạy thật kinh khủng. Vì mọi thứ trong mơ tan như bong bóng. Học sinh lười, hư. Hiệu trưởng, tổ trưởng lúc nào cũng kiểm tra, xét nét. Nhưng không phải lỗi ở họ. Mà do chương trình giáo dục, tư duy lạc hậu đã làm hỏng tất cả. Những lí thuyết vớ vẩn liệu có cần không mà đòi học sinh học? Chương trình có tự do trong thời gian, kiến thức không mà đòi hiệu trưởng không sao sát? Nhất là áp lực thi cử thì cả thầy và trò đều xanh mặt. Phương pháp dạy mới chỉ là thứ trình diễn trong thao giảng. Dù rất muốn dùng song học sinh chưa quen sự tự lập, thời lượng tiết ít ỏi nên hầu như tôi chả dùng được mấy. Cách đây vài năm, sự kêu gọi thay đổi phương pháp dạy ngày càng khẩn thiết hơn. Giáo viên các nơi cũng đã thay đổi phần nào. Tuy nhiên, chưa là gì cả. Bao nhiêu lần thay sách, bao nhiêu buổi tập huấn chỉ là "bình mới rượu cũ". Tôi đã chờ đợi trong hi vọng. Rồi khi nhận được thực tế trong tay một bộ SGK, một chương trình vẫn lạc hậu, tôi chỉ còn biết thở dài. Lí tưởng nghề nghiệp đúng là viển vông, chỉ có thực tế cuộc sống là thực mà thôi. Lúc đó, tôi buông tay hoàn toàn, xin ra khỏi ngành hẳn. Nếu đi làm chỉ vì đồng lương thì chắc không có sự thất vọng tới buông tay này. Người ta buông tay khi thấy việc mình làm không còn ý nghĩa nữa.


 

         Không biết có nhiều người mang lí tưởng xa vời như tôi không? Tại sao họ làm vậy? Lí tưởng nghe thật lớn lao song thực tế ai cũng có dù ít hay nhiều. Đó là ước mơ nhỏ bé: có nhiều tiền hơn để cuộc sống đỡ khổ, là có cái nhà ổn định cho gia đình,...cho tới những ước mơ bay bổng hơn chút: tạo ra sản phẩm, dịch vụ làm thay đổi xã hội; làm những thứ có ích cho cộng đồng mà không tính tới lợi nhuận;...Ước mơ ấy như cục pin, làm ta bật dậy khỏi giường mỗi sáng, làm ta dồn sức lực làm việc mê say. Như tôi biết ở mảng nông nghiệp, có những bạn trẻ đã thực hành nông nghiệp sinh thái, không dùng hóa chất công nghiệp. Dù phải bỏ nhiều công sức, tiền của, thu nhập chả được mấy song các bạn vẫn làm, bởi một lí tưởng: tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường. Các bạn làm với niềm say mê, không ngại khó khăn bởi giá trị họ mang lại tác động tới cả mọi người xung quanh và họ tin tưởng ở một tương lai đẹp.

        Các bạn thành công khi đi theo lí tưởng cũng có song thất vọng là chủ yếu. Bởi thực tế cuộc sống có quy luật vận hành theo đồng tiền. Cái gì không tạo ra tiền thì dễ bị đào thải. Nông nghiệp sạch là tốt nhưng không có người mua thì cũng chết yểu. Phương pháp dạy học tiên tiến mà học sinh chả thích học thì cũng chả để làm gì. Vậy thì lỗi là lí tưởng sinh nhầm thời, nhầm người rồi. Nếu cứ ở môi trường cũ thì chả bao giờ mong cái mới được đón nhận. Tôi và nhiều bạn từng sốc, thất vọng mà không làm gì được cả. Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì?

        1. Cứ kiên trì làm

       Dám làm là đã dũng cảm rất nhiều rồi. Còn nếu thành công thì quá phi thường. Như các bạn làm nông nghiệp sinh thái tôi biết, các bạn tạo được trang trại, tự sống được bằng những gì mình nuôi trồng. Tên tuổi các bạn còn được báo chí biết tới. Hoặc bạn tôi, dám đi học bên nước ngoài rồi mở trường tư, dạy học theo các của riêng mình. Đó là cho học sinh thực hành nhiều hơn học lí thuyết. Trường giờ còn không đủ chỗ vì số lượng học sinh đăng kí quá đông. 

         2. Chấp nhận buông tay

        Tôi nghỉ hẳn làm giáo viên trường công vì biết chả mong đợi được gì sự cải cách ở đây, bản thân sẽ tụt hậu mãi mà thôi. Đó là buông tay. Buông để tìm ra môi trường khác phù hợp hơn, giúp thực hiện lí tưởng của mình. Mà ngay cả khi lí tưởng dạy học không thực hiện được thì ta tìm ra lí tưởng nghề nghiệp khác. Cuộc đời là chuỗi duyên hợp. Có duyên thì tới. Vô duyên thì đi. Chả việc gì phải cố níu giữ cho mệt. 

Bài viết này là để trả lời cho những ai hỏi: Tại sao lại bỏ việc? Và cũng để động viên các bạn đi tìm một ý nghĩa công việc mà cống hiến. Không có việc gì mệt, khó; chỉ có việc vô nghĩa, không vui mà thôi. Cái nào không vui mới là mệt nhất.