“Chọn con tim hay theo lý trí?” Đây có lẽ là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn nhất trong quá trình tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân. Câu trả lời, dù vậy, thường nằm giữa lằn ranh mỏng manh của niềm yêu thích và những đáp ứng về vật chất, tinh thần.
Bởi nếu theo tình yêu, đâu có gì đảm bảo bạn sẽ yêu công việc ấy suốt đời? Còn nếu theo lý trí, một công việc không đem lại hạnh phúc có đáng để bạn tiếp tục không? Thế cuối cùng, định nghĩa một công việc lý tưởng nên được hiểu như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, mình muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện của Mai và An.
Mai và An học cùng lớp cấp 3, nếu như An đã biết mình muốn làm công việc liên quan đến viết lách thì Mai chỉ muốn chọn ngành học không dính dáng đến tính toán, con số. Lúc chọn nguyện vọng, sau khi tham khảo nhiều nguồn, cả hai quyết định học ngành Truyền thông. Nếu An chọn truyền thông vì sở thích thì Mai chọn truyền thông vì đây là ngành hot cùng mức điểm chuẩn mà cô có khả năng đạt được.
Mang theo tâm trạng đó, cả hai bước vào môi trường đại học. An tham gia các câu lạc bộ về viết, đi thực tập từ sớm. Mai thì thử sức với mọi câu lạc bộ cô thấy hứng thú, từ MC, thiết kế đến tranh biện,...
Lên năm cuối, An lúc đấy đã có kinh nghiệm, cũng định hình rõ hơn về hướng phát triển của mình. Nhưng cô cũng nhận ra một điều rằng kiểu viết nội dung được ưa chuộng hiện nay - viết về công nghệ và viết quảng cáo - không phải là kiểu viết cô thích. Phần thì quá khô cứng, thuần kỹ thuật, phần lại quá bóng bẩy, thương mại hóa,... An cứ tưởng mình đã luôn rất chín chắn, suy tính trước sau nhưng sự thật lại không như cô tưởng. Thứ cô thích là viết văn nhưng viết văn không kiếm được tiền, hoặc chỉ kiếm được khi cô đủ giỏi. Và cái đủ ấy, nghe sao xa vời vợi.
Còn với Mai, cô có được quãng thời gian làm việc tại câu lạc bộ, nghe lời khuyên của anh chị khóa trước, dốc sức học tập, tạo quan hệ với thầy cô trong khoa. Cô cũng đi thực tập theo chương trình của trường. Dù vậy, Mai nhận thấy bản thân không có một kỹ năng nào nổi bật lên. Nói đúng ra, cô có thể làm nhiều việc, nhưng không có việc nào thật sự xuất sắc. Dù vậy, Mai vốn không đặt nặng điều đấy quá, cô cảm thấy chỉ cần tìm một công việc yêu cầu nhiều kỹ năng, lại có đủ tính thách thức cùng mức đãi ngộ tạm ổn là được. Cũng như trước đây, Mai chỉ xem xét theo hoàn cảnh và khả năng của bản thân.
Nếu An luôn băn khoăn với sự “thích” của mình thì Mai rộng mở cho mọi cơ hội, hay với cô, “thích” không quan trọng đến vậy. “Nhiều khi cứ làm lâu một việc cậu sẽ thấy thích việc đó hơn cậu tưởng đấy”. Mai từng bảo như vậy với An. Nhưng chỉ sau này, khi chấp nhận bỏ đi một vài nguyên tắc của bản thân, An mới nhận ra những điều Mai nói không sai. “Đúng là thích có thể không quan trọng đến vậy, nếu cậu có thể làm rõ điều cậu muốn.” An nói.
Câu nói của An có thể được hiểu như thế nào? Trước khi đi vào câu trả lời, mình muốn phân tích một mô hình hướng nghiệp mà chắc bạn cũng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: Mô hình Ikiga.
Theo đó, một công việc lý tưởng được tạo thành từ bốn yếu tố:
- Điều bạn thích
- Điều bạn giỏi
- Điều thế giới cần
- Điều mang lại thu nhập
Cũng như An, lúc cấp 3, mình thường đặt nặng quá nhiều vào điều bản thân thích. Mình hay nghĩ về đam mê như một tấm áo choàng của siêu nhân, chỉ cần tìm được và khoác lên người thì sẽ hô biến trở thành người “giải cứu thế giới”. Mình tin rằng chỉ cần đi theo đam mê thôi, thành công sẽ dẫn lối.
Lớn lên, mình mới nhận ra chỉ thích thôi là không đủ. Tính chất công việc, dù là ở lĩnh vực nào, cũng không chỉ bao gồm những đầu việc bạn “thích” mà còn những điều bạn “cần” làm. Ví dụ về công việc sáng tạo nội dung - content creator, mình thích viết lách, tìm kiếm ý tưởng, nhưng không thích việc phải sử dụng mạng xã hội thường xuyên, phải liên tục cập nhật các xu hướng mới,... Tương tự, không chỉ “cần” mà còn phải “giỏi”. Như việc dù thích văn học nhưng thứ mình làm tốt hơn là các dạng bài phân tích, tổng hợp thông tin.
Mình đứng trước rất nhiều những ngả rẽ mà câu hỏi đặt ra không chỉ là “có thích hay không?” mà “mình có làm tốt được không? có những công việc nào sẽ phát sinh? công việc này có đem lại thu nhập tương xứng không?” Giống như trong mô hình Ikigai, một công việc phù hợp phải hội tụ nhiều yếu tố, và niềm “yêu thích” chỉ là một trong số đó mà thôi.
Để rồi như Mai, mình nhận ra chỉ cần đến tiệm cần với thứ gọi là “thích” đã là một thành công rồi. Giờ đây thứ mình quan tâm nhiều hơn là câu hỏi “muốn” mà An đề cập. Mình “muốn” công việc như thế nào, mình “muốn” đạt được những gì, “muốn” có mức thu nhập ra sao?
Hãy để bản thân được nhìn tổng thể bức tranh lớn, hiểu được đích đến cuối cùng mình “muốn” có được chứ đừng để những cảm xúc thích ghét ảnh hưởng đến những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời. Vì có thể như Mai đã nói “chỉ khi làm lâu cậu mới nhận ra công việc này không hề đáng yêu/đáng ghét như cậu tưởng đâu”.