NGÀY MAI LIỆU CÓ CÒN TỚI?
 

Mỗi một người, mỗi một độ tuổi lại có những nỗi niềm riêng. Với thằng bạn thân thiết của tôi, sự tan vỡ của gia đình, sự ra đi của người anh trai yêu quý là một cú sốc lớn. Với anh người yêu tôi vừa bỏ lỡ, đó là nỗi lo về tương lai, về những ước mơ còn dang dở. Còn bạn, bạn đã và đang trải qua điều gì? Liệu rằng sau đó bạn còn đủ mạnh mẽ vượt qua và mong chờ ngày mai đến như tôi trong câu chuyện sắp kể?

“Ào… ào…”

“ Mưa rồi! Chiều nay Hạnh có cúp không?”

Sài Gòn có hai mùa mưa nắng. Mùa nắng oi ả khiến con người ta cộc cằn còn mùa mưa thì mưa dầm mưa dề khiến đường xá ngập lụt. Cơn mưa bất chợt đổ xuống. An nhìn vẻ mặt mệt nhọc của tôi hỏi. 

“Không, tao không dám. Dầm mưa một chút thôi không sao đâu.” Tôi đáp.

Cứ thế tôi dầm hết trận mưa này tới trận mưa khác của Sài Gòn. Cái nhiệt huyết học tập vì sợ ngày mai mình thua thiệt, mình sống mãi trong cái nghèo thôi thúc tôi phải cố gắng. Trời không phụ lòng người. Tôi đỗ đại học chuyên ngành Mạng máy tính. Mẹ tôi dùng số tiền ít ỏi kiếm được khao cả nhà một chầu ăn mừng. Một tương lai sáng lạng đang chờ tôi. Một tương lai có công việc ổn định mua nhà cho mẹ. Một tương lai có gia đình nhỏ hạnh phúc cùng anh người yêu bốn năm. Tất cả đang chờ tôi phía trước.

“Thanks for choosing Domino’s Pizza. My name is Hạnh. How can I help you? ”

Tôi trở thành một cô chăm sóc khách hàng ở Domino’s Pizza nhờ vào mối quan hệ của anh người yêu. Sáng đi học, chiều tối tan học lại đi làm. Ngày nào cũng thế từ thứ hai cho đến chủ nhật. Tròn 3 tháng kể từ ngày nhập học, nhận việc, tôi bắt đầu đuối sức. Sài Gòn trở lạnh, cái bệnh dị ứng thời tiết của tôi trở chứng. Nhờ nó mà giọng tôi khàn hẳn. Mấy chị ở chỗ làm cứ trêu tôi:

 “Con bé này chắc đi làm vì đam mê, tiền nó uống thuốc hổm giờ còn nhiều hơn tiền lương”. 

Tôi chỉ biết cười trừ, bệnh thời tiết theo mùa ấy mà.  

Một tháng trôi qua, lạ thay tôi từ dị ứng thời tiết chuyển sang viêm họng và sốt mỗi tối. Một tháng uống thuốc không làm tôi khỏe lên. Lúc mẹ chở tới bệnh viện quận, người ta cho tôi ở lại nằm viện theo dõi. Bác sĩ ở đấy chưa tìm ra được tôi bệnh gì mà chỉ biết đó là triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp. Sau một tuần, mẹ tôi không còn kiên nhẫn. Bà muốn bác sĩ đưa tôi lên tuyến trên vì trị mãi mà bệnh tình chỉ có nặng hơn chứ không khuyên giảm. Tôi được đưa lên cấp cứu ở bệnh viện trung ương thì người ta bảo tôi bị viêm phổi nặng, cần nằm viện điều trị. 

Những ngày sau, tôi sốt cả ngày. Sáng thì người lừ đừ, tối thì ho cả đêm, ho đến nỗi thở hì hộc không ngủ được. Những đêm như thế tôi thường ra ngồi trước cửa phòng với ba vì sợ mình ho ồn ào ảnh hưởng đến người khác. Phòng tôi nằm cũng toàn mấy cụ già có tuổi thôi. Bác sĩ vẫn đến thăm khám tôi mỗi ngày. Họ truyền thuốc cho tôi từ sáng tin mơ đến tối mịt. Có thể nói lúc nào người tôi cũng ghim kim và truyền thuốc. 

Một hôm, tôi nghe được ba mẹ tâm sự. Ba tôi vì chăm tôi đã nghỉ phụ hồ, đêm nào cũng thức. Ông không chịu nổi như thế nữa. Mẹ tôi kiệt sức khi vừa lo chuyện nhà cửa, tiền nong vừa chăm sóc tôi. Sau đó, tôi nghe được từ mẹ, bác sĩ nói tôi bị kháng thuốc đã đổi thuốc được ba lần rồi. Mọi chuyện dần trở nên tồi tệ. Người tôi cũng ốm đi, xanh xao hơn do thuốc. Ăn ngon trở thành một mong ước xa xỉ vì cứ ăn là tôi lại nôn ra hết. Ngày ngày người ra người vào chỉ có tôi là nằm ở lại. Mỗi lần người ta xuất viện đều chúc cho tôi mau khỏi. Tôi băn khoăn rồi tôi sẽ khỏe chứ hay tôi sẽ như cái người nằm đối diện giường của tôi, người mà đêm qua đã không qua khỏi.

Nỗi đau của thuốc, của bệnh cứ giày vò tôi từng ngày. Đâu đó trong suy nghĩ tôi mong mình mất đi thật nhanh. Ngủ một giấc và ngày mai không còn nữa. Nhưng… còn ba mẹ tôi thì sao? Họ đã khổ lắm rồi. Nếu họ mất tôi nữa thì sao họ chịu nỗi. Nghĩ đến đây tôi lại hy vọng mình sống, hy vọng ngày mai sẽ tới. 

Ngày tôi nhận được tin mình đáp ứng thuốc mới cũng là ngày tôi biết anh người yêu mình có người khác. Sau khi rời khỏi bệnh viện, chúng tôi chia tay nhau. Bầu trời trong tôi như sụp đổ một lần nữa. Công việc không còn, di chứng sau đợt bệnh nặng là viêm phổi mãn tính, người thương đi mất, việc học hành không theo kịp bạn bè vì đã nghỉ khá lâu. Mọi thứ diễn ra vẻn vẹn trong gần hai tháng. Một lần nữa, tôi rơi vào đại dương sâu thẳm. Ý nghĩ tự vẫn luôn cứ trực trào trong đầu. Ngày mai liệu có còn tới… với tôi?

Tôi đã khóc, khóc rất nhiều, nhiều đến mức tôi không thể đếm được. Rồi anh đến, anh nói mình là “lucky boy”. Anh sẽ đem đến may mắn cho em. Anh cư xử với tôi một cách dịu dàng. Anh dạy tôi sống lạc quan, dạy tôi yêu bản thân mình hơn, dạy tôi rằng hãy nhớ ngày mai còn tới. Ngày mai là một ngày tươi sáng hơn hôm nay. Và, khi có một cánh cửa đóng lại một cánh cửa khác sẽ mở ra. Thoạt nghe qua nó có vẻ như những lời giáo điều sáo rỗng để an ủi người khác nhưng khi tôi trải qua, tôi đủ hiểu. 

Câu chuyện của tôi là một bức tranh có hồng có đen cũng như cuộc đời vậy. Cuộc đời phải có thăng, có trầm. Chỉ khi ta đi qua những nốt trầm ta mới trân trọng, mới cảm  nhận được hạnh phúc, được giá trị của nốt thăng. Nếu bạn  đang buồn, đang khủng hoảng, hãy cứ khóc đi. Bạn có thể kể lể và khóc một ngày, một tuần, một tháng, thậm chí là một năm. Điều đó sẽ khiến bạn nhẹ lòng hơn việc cứ giữ khư khư trong lòng gặm nhấm nó mỗi ngày. Và, một ngày nào đó, bạn sẽ thấy bình thản đối mặt với nó. Hiểu theo định luật bảo toàn năng lượng thì niềm hạnh phúc vẫn tồn tại trong bạn nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Khi ấy, tuy tôi mất đi sức khỏe nhưng tôi lại nhận được tình thương từ gia đình, từ bạn bè. Tôi mất đi tình yêu thì tìm được tình yêu mới. Hãy cứ sống trọn vẹn hôm nay và nhớ rằng ngày mai còn tới.

“Có thể bây giờ là bão tố, nhưng trời đâu thể mưa mãi được.” -Khuyết danh-

#haynhorangngaymaicontoi