Tuy tuổi nghề của tôi chưa nhiều nhưng tôi cũng cảm nhận được nghề giáo là nghề hết sức đặc biệt, có vị trí hết sức quan trọng trong xã hội, đảm đương sứ mệnh “trồng người”.Từ thời xa xưa, truyền thống Tôn sư trọng đạo đã là một truyền thống tốt đẹp được nhân dân Việt Nam đề cao, yêu quý và gìn giữ. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao nhân dân ta đã dành cho người thầy những tình cảm đặc biệt ưu ái, tôn kính thiêng liêng:

- Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.

- Không thầy đố mày làm nên.

- Trọng thầy mới được làm thầy.

- Qua sông thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy! .

Chính vì tinh thần hiếu học, vì yêu cái chữ mà người dân Việt Nam chúng ta quý trọng vô cùng những người làm nghề dạy học. Địa vị, vai trò của người thầy luôn được người đời tôn quý, đạo thầy trò luôn được giữ gìn, khắc ghi. Nhân dân tôn vinh, yêu mến gọi người thầy là Người giáo viên nhân dân. Xã hội đã ví người giáo viên với cái tên rất đẹp đẽ, tràn đầy ý nghĩa và gần gũi với nghề của mình đó là: "Người kỹ sư tâm hồn"!. Trong văn học nghệ thuật đã có không ít tác phẩm hay viết về hình ảnh người thầy. Là học sinh, hẳn ai cũng đã thuộc lòng bài hát Bụi Phấn của nhạc sĩ Vũ Hoàng: Khi thầy viết bảng/ Bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/ Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy… Hoặc bài hát Bài ca người giáo viên nhân dân của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Nghề dạy học là một nghề cao quý bởi lẽ người thầy giáo không chỉ là dạy chữ mà còn dạy cho học trò đạo lí làm người, dạy cho học sinh làm những điều hay lẽ phải, hướng các em tới giá trị của Chân - Thiện - Mỹ. Và mỗi người giáo viên ví như con ong chăm chỉ ngày đêm bên trang giáo án cuộc đời, như những người lái đò thầm lặng chở khách qua sông, để mỗi chuyến đò là bến đỗ bình an, cập bến vinh quang. Họ âm thầm cống hiến, tỏa hương, không ồn ào, phô trương như Bác Hồ đã từng nói:"Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”.

Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Ngày xưa khi công nghệ thông tin chưa phát triển, người thầy vẫn miệt mài bên trang trang giáo án trong ánh đèn leo lét. Ngày nay xã hội phát triển, người thầy có cơ hội tiếp cận thông tin nhiều hơn hỗ trợ cho nghề dạy học của mình nhiều hơn nhưng vẫn không khỏi trăn trở với bài giảng của mình để làm sao đến lớp truyền thụ cho các em những kiến thức bổ ích nhất. Những tri thức do người thầy mang lại sẽ trở thành hành trang để các em mang theo suốt cả cuộc đời mình. Các em sẽ không quên hình ảnh người thầy, bởi lẽ, người thầy giáo không chỉ đơn thuần là người truyền đạt tri thức, mà còn là một tấm gương sáng ảnh hưởng đến nhân cách học sinh sau này. Giáo sư Nguyễn Văn Lê từng viện dẫn lời một nhà tư tưởng nói về nghề dạy học: “Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư thì có thể phá bỏ… Làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi lầm lớn không thể nào chuộc được”.Thử hỏi có nghề nghiệp nào vinh dự, tự hào, hạnh phúc như nghề dạy học không?

Dạy học là một nghề khó và đôi khi đem lại cho người thầy sự mệt mỏi chán nản, buồn bã. Vì đối tượng của người giáo viên là con người, mà là một con người đều có cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố. Bên cạnh những học sinh ngoan, học giỏi thì có những học sinh cá biệt đem lại sự buồn phiền cho thầy cô và gia đình. Gần 20 năm trong nghề dạy học tôi cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn với nhiều học sinh đã để lại ấn tượng trong tôi mạnh mẽ.

Ngề dạy học vinh dự càng cao, thì trách nhiệm càng nhiều đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt qua khó khăn trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề nghiệp mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống chung có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc trở, không cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò. Bước lên bục giảng, trước bao nhiêu ánh mắt trong veo, chờ đợi của học trò, người thầy phải quên đi tất thảy những nỗi niềm riêng tư, cho dù gặp những học trò hư để lại trong thầy bao nỗi buồn phiền.

Ngày nay đất nước càng phát triển, hội nhập quốc tế thì nghề dạy học đòi hỏi càng cao, trách nhiệm càng nhiều để đáp ứng yêu cầu Đổi mới toàn diện về giáo dục theo tinh thần của Đảng, Nhà nước. Nhưng như vậy không có nghĩa mọi bất cập, áp lực đều đỗ dồn cho người thầy “trò hư tại thầy”, cái xấu do người thầy gây ra. Mà chúng ta phải có cái nhìn khách quan, hãy hiểu và thông cảm cho nghề giáo chịu nhiều áp lực lắm.

Hơn nữa trong cơ chế thị trường ngày nay giữ được lòng mình trong sáng, giữ được phẩm chất nhà giáo là thử thách lớn lao. Do tác động của cơ chế thị trường, đồng tiền len lỏi vào nghề dạy học mà một bộ phận thầy cô giáo đánh mất đi phẩm giá của mình, đạo đức nhà giáo xuống cấp. Đâu đó chúng ta nghe thấy tình trạng dạy thêm tràn lan để kiếm tiền, để rồi ngọn lửa nhiệt huyết đứng trên bục giảng dần tắt ngấm. Vì vậy ngày nay đòi hỏi mỗi nhà giáo chúng ta phải có bản lĩnh, nghề nghiệp tinh thông, vừa giữ được phẩm chất tốt đẹp của nghề nghiệp cao quý góp sức đào tạo thế hệ trẻ có Tâm – Tầm –Tài để dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tuy tuổi nghề của tôi chưa nhiều nhưng tôi cũng cảm nhận được nghề giáo là nghề hết sức đặc biệt, có vị trí hết sức quan trọng trong xã hội. Những chiêm nghiệm, nghĩ suy gần 20 năm gắn bó cùng nghề dạy học tôi thấy mình đã không chọn sai nghề bởi thấy mình cũng đã góp phần nhỏ bé chắp cánh những ức mơ tương lai cho nhiều thế hệ học sinh. Nếu có người hỏi “vì sao bạn chọn ngành sư phạm?” thì tôi không ngần ngại trả lời “Tôi ước muốn trở thành một nhà giáo”. Với tôi hai từ “nhà giáo” vô cùng thiêng liêng, cao quý như Cômenxki viết “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao qúy nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Cao quý bởi đó là sự nghiệp trồng người, ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng tương lai của đất nước như lời Bác Hồ nói “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Giờ đây tôi đang công tác tại một ngôi trường có truyền thống dạy học 47 năm ở Thành cổ Quảng Trị đó là trường THPT thị xã Quảng Trị. Với tôi “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì ở đó tôi bắt gặp những tà áo trắng trinh nguyên bay trong gió phủ kín cả sân trường giờ tan học; những ánh mắt thơ ngây, trong sáng; những nụ cười tươi và những vòng tay lễ phép cúi xuống: “Em chào cô ạ!”. Tôi cảm thấy tự hào, hạnh phúc vô cùng vì thấy mình là người đáng kính trong con mắt học trò. Tuổi đời có thể già đi nhưng tuổi nghề thì trẻ mãi. Tôi lại thấy yêu thêm nghề dạy học mà tôi đã chọn. Tôi sẽ vững vàng hơn của một người giáo viên nhân dân, nguyện cống hiến tốt hơn nữa cho sự nghiệp trồng người mà Đảng và nhà nước giao phó. Bởi nhà hiền triết – Tago đã nói: "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được một thế hệ".

#nghedunghaysaingaigikhongthu

----------------

Người dự thi: Lê Thị Thu Thanh

Địa chỉ: Đội 2 - Bích Khê - Triệu Long - Triệu Phong - Quảng Trị

Email: thanhbk141081@gmail.com

Mobiel: 0949694135