#nghedunghaysaingaigikhongthu

Rất lâu trước đây, tôi nhớ bàn thân đã tự nhủ rằng sẽ không bao giờ trở thành một nhà giáo. Vì tôi thấy được sự vất vả của người đi trước, đó là mẹ tôi. Bà là một cô giáo tiểu học. Sau rất nhiều năm trong nghề, mẹ tôi đã dần trở thành một “bà giáo”, khó tính hơn, dễ cáu bẳn và luôn trong tình trạng mất tiếng. Nhưng cuộc đời luôn luôn có những biến số. Quả thực nghề chọn người, chứ người không chọn nghề. Đến ngày hôm nay, tôi đã và đang trên đi con đường để trở thành một nhà giáo. 

Khoảng thời gian khi đăng kí nguyện vọng xét tuyển, tôi thực sự đã nghĩ rất nhiều: trường nào, ngành gì và nghề nào thực sự hợp với mình. Và rồi, tôi đã đăng kí hết tất cả nguyện vọng của mình vào ngành sư phạm. Tuy rằng, đó đều là những quyết định rất xốc nổi. Có một khoảng thời gian đa phần mọi người trong xã hội có định kiến rằng "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" hay có thời điểm ở Việt Nam tồn tại những ngành sư phạm chỉ với 9 điểm thi đại học đã có thể trúng tuyển. Và tôi từng nghĩ sẽ đi học sư phạm để phá vỡ điều đó, phá vỡ thứ định kiến: "điểm thấp thì đăng kí sư phạm" hay "học sư phạm thì hơi bạc nhưng mà nhàn". 

Từ rất lâu rồi, người ta luôn gắn nghề giáo với hai từ "bạc" và "nhàn".

Bạc vì đồng lương công chức ba cọc ba đồng, bạc vì càng ngày địa vị của người thầy càng đi xuống? Tôi còn nhớ một giảng viên từng nói khi chúng tôi mới bước chân vào trường đại học: "Xác định làm nhà giáo thì phải xác định mình sẽ nghèo". Ấy vậy nhưng tôi thấy cô chưa bao giờ ngưng tự hào vì mình là một nhà giáo. Đúng. Xác định theo nghề giáo cũng là xác định đi vào con đường không đặt nặng vấn đề vật chất. Thứ cao cả hơn là tôn nghiêm, là trọng trách, là sứ mệnh của người làm thầy. Nếu đã suy nghĩ như thế, sao có thể nói nghề thầy "bạc"?

Còn nghề giáo có nhàn không? Đúng là nhàn, nhưng phải là “nhàn”...

Tôi đã chứng kiến rất nhiều người ngoài ngành từng nói, làm giáo viên có gì mà khổ, đặc biệt là giáo viên các cấp thấp như tiểu học, mầm non. Các thầy cô lên lớp chỉ cần dạy vài con chữ, cho các cháu biết đọc, biết viết, chủ yếu là trông nom cho hết giờ rồi về. Nếu thực sự làm giáo viên nhàn hạ như vậy, có lẽ ai cũng muốn đổ xô đi dạy học!

Nhưng liệu từng đó đã đủ để mô tả được hết những gì mà một nhà giáo phải làm hay chưa? Giáo viên đến trường chỉ dạy kiến thức liệu có đủ? Chắc chắn không!

Đúng là ở bậc học thấp chủ yếu là dạy con biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản nhất để làm nền móng cho các cấp lớn hơn. Nhưng quả thực, xã hội hiện nay không hề hiếm những đứa trẻ thông minh, học giỏi, nhưng khiếm khuyết về nhân cách, về ứng xử, về kĩ năng mềm. Đến bao giờ người ta mới có thể loại bỏ đi định kiến trong đầu mình rằng: "giỏi kiến thức là giỏi tất cả", tới lúc nào người ta mới thôi lấy thước đo về kiến thức để so sánh con người, trong khi ngoài kia tồn tại cả những "thần đồng em chã", cả những kẻ trí tuệ đầy mình nhưng lại lũng loạn tham ô, giết người hàng loạt? Tại sao một đứa trẻ ngoan nhưng hơi kém thông minh vẫn bị coi là kém cỏi, còn một đứa trẻ nhanh nhẹn, thông minh nhưng cộc cằn, bẳn tính là được xem là có tố chất chỉ là hơi hiếu động?

Người ta quên mất rằng (hoặc thậm chí chưa từng nghĩ rằng), kiến thức hôm nay không học, mai có thể học, ngày kia có thể học, thậm chí là năm sau, năm sau nữa hay là đến già bổ sung vẫn chưa muộn. Nhưng nhân cách, tính tình lại hình thành, phát triển rõ ràng và mạnh mẽ nhất ở độ tuổi mầm non và tiểu học. Cổ nhân vẫn thường nói "dạy con từ thuở còn thơ" chính là vậy. 

Nhưng người ta lại thường coi nhẹ công cuộc ấy ở trường học. Rất nhiều bậc phụ huynh dường như chỉ quan tâm con mình học được kiến thức gì, mà không quá bận tâm rằng chúng sẽ trở thành người như thế nào. (Dù rằng cho tới khi có một sự việc đáng tiếc nào đó xảy ra, phụ huynh lại thường réo gọi giáo viên vì không làm tròn trách nhiệm giáo dục?)

Quả thực, giáo dục xưa nay chưa bao giờ là một công cuộc dễ dàng. Tuy vẫn còn là một giáo sinh, nhưng tôi vẫn luôn trăn trở rằng sau này, làm sao để tôi có thể hiểu được từng đứa trẻ của mình, biết chúng yêu thích gì, còn thiếu xót ở đâu, làm thế nào để dạy chúng ngoan ngoãn, hiểu chuyện, hiếu thuận, biết yêu thương, trung thực, có trách nhiệm, biết tự lập,... Dù tất cả những điều ấy, thực sự quá nhiều, quá nặng với một đứa trẻ. Nhưng nếu các con không biết, không hiểu những điều ấy, đến khi lớn hơn một chút như cái cây đã cứng cáp thì việc uốn nắn chỉ tạo nên những tổn thương và trầy xước, cho cả cái cây, và người uốn cây. 

Với cương vị của một người sau này sẽ “nắm giữ” tương lai của rất nhiều người khác, điều tôi luôn mong muốn đó là từng đứa trẻ của mình đều sẽ được thấu hiểu và quan tâm. Tôi muốn tìm ngọn ngành vì sao học trò của mình ưa bạo lực, tại sao bình thường con rất chăm chỉ nhưng một hôm lại bỏ bài. Tôi muốn biết từng điều nhỏ nhặt như thế, để có thể hiểu, có thể đi sâu hơn vào tâm hồn các con, kịp thời chữa lành những vết thương và gieo những mầm sống tốt đẹp.

Chúng ta luôn phải có một nhận thức đầy đủ và đúng đắn rằng: ở trường học, giáo dục và dạy học luôn phải là hai chiếc cánh bướm. Chỉ cần thiếu một bên thì con bướm ấy không thể cất cánh, đồng nghĩa với việc nó chỉ mãi có thể giống con sâu nằm trong vỏ kén chẳng bao giờ có thể phát triển và trưởng thành. Chính vì vậy, trọng trách mà người làm thầy gánh vác trên vai lại càng nặng nề hơn, khó khăn hơn. Nhưng tôi tin rằng những nhà giáo chân chính sẽ luôn coi đó là trọng trách cao cả và đáng tự hào! 

Đến ngày hôm nay, nghề giáo trong lòng tôi đã thực sự rất khác. Tôi đã không còn nghĩ mình cần chứng minh hay phá vỡ định kiến nào, bởi phá vỡ định kiến luôn khó hơn là tạo một định kiến khác. Và tôi tin rằng, đến một lúc nào đó, người ta sẽ tự phải sửa định kiến của mình về nghề giáo, chẳng hạn như:

Nghề giáo sẽ không bao giờ "nhàn", cũng chưa bao giờ "bạc", trừ khi người làm thầy cho phép mình "nhàn" và tự khiến mình "bạc"!