#thuthiathuthioi
'' Ngoại của tôi - người hy sinh cả đời cho người khác… " tôi đặt bút mở đầu bài văn. Tôi đã suy nghĩ đôi chút về đề bài " Đức hy sinh " nhưng rồi đặt bút viết ngay. Những ký ức về ngày hôm đó ùa về làm tôi rưng rưng vì xúc động.
Hôm ấy, đang dọn dẹp tủ đồ, chợt tôi thấy một cuốn album cũ đã ngả màu. Tò mò, tôi mở ra xem, bên trong là những bức ảnh thời thanh xuân của ngoại tôi. Vừa vui thích vừa hiếu kì, tôi chạy đến bên ngoại, đòi ngoại kể cho nghe chuyện ngày xưa. Bất giác, khuôn mặt ngoại tôi trùng xuống, đôi mắt xa xăm như đang nghĩ ngợi cái gì đó mênh mông. Nghe tiếng gọi của mẹ, tôi mới thôi không hỏi thêm gì nữa. Tối ấy, tôi lân la hỏi mẹ chuyện của ngoại; mẹ tôi hơi bất ngờ song bà cũng kể đầu đuôi cho tôi nghe. Suốt mười sáu năm trời, tôi cứ ngỡ cuộc đời ngoại bình yên lắm thế mà ngờ đâu, cuộc đời của người lại lắm gian truân và bất hạnh như thế.
Mẹ bảo, khác với thân hình gầy guộc bây giờ, thời còn con gái ngoại tôi trẻ và xinh lắm. Nhà ngoại rất nghèo, nên việc học hành cũng không đến nơi đến chốn, ngoại tôi phải lao động từ sớm, mười tám tuổi đã lấy chồng. Mẹ nói, ông tôi và ngoại đến với nhau bằng tình cảm, dẫu lúc ấy ai cũng nghèo như ai. Cuộc sống gia đình tuy vất vả nhưng êm ấm, ngặt nỗi trong mười bảy năm ngoại tôi sinh đến chín người con, căn bản không có cách nào chăm lo được. Ngoại làm quần quật suốt ngày suốt đêm chăm chồng nuôi con nên tính tình dễ cáu, cũng chẳng hoà đồng với ai. Ấy thế là, khi mẹ tôi được sáu tháng, ông tôi giãy ra, bỏ đi lấy vợ hai. Mẹ tôi bảo lúc ấy chắc ngoại cũng đau lắm, mẹ chỉ ước giá như lúc ấy đủ hiểu chuyện để an ủi ngoại. Giữa nỗi đau riêng mình và tiếng khóc ngặt nghẽo vì đói của đàn con, rốt cục ngoại vẫn phải tiếp tục gánh nặng mưu sinh. Ngày xưa, ngoại làm công nhân nhà máy, trực đêm liên miên, ngoại phải hút thuốc để tránh cơn buồn ngủ. Nhưng mà sau đợt bị viêm phổi nặng, ngoại bỏ hẳn luôn, mẹ tôi kể ngoại không sợ bệnh tật mà sợ " chết rồi thì ai nuôi đàn con ". Có bữa ăn cháo, có bữa ăn cơm, hiếm lắm mới có bữa có giò, lần nào ngoại cũng phải phân chia cẩn thận, chỉ sợ đứa lớn ăn mất của đứa nhỏ, mà đâu nhớ rằng, ngoại cũng đã có gì vào bụng đâu ! Mẹ kể: Xóm nhà tôi ngày xưa gọi là " Xóm nghiện " vì nhà nào cũng có hai, ba đứa con sa vào con đường hút chích. Mỗi ngày ngoại đều lo sợ phải nghe câu " Nhà bà A có đứa nghiện rồi ". Cho đến nay, điều ngoại luôn tự hào là cả chín đứa con của ngoại đều bình an trưởng thành, công ăn việc làm ổn định lại có gia đình yên ấm.. Trong suốt sáu mươi năm đơn thân nuôi con, ngoại chưa từng một lần tìm hạnh phúc cho ngoại, mà theo mẹ tôi rằng có nhiều người thích ngoại lắm. Mẹ bảo, chắc ngoại còn thương ông tôi, dù ông đổ hết gánh nặng lên vai ngoại thì ngoại chỉ thở dài: '' Âu cũng là cái duyên cái phận ". Ngoại cũng bảo các con đừng kể chuyện ngày xưa cho các cháu, vì ngoại lo các cháu mình sẽ ghét ông nó. Từ khi còn là cô gái đôi mươi đến khi mái tóc đã bạc trắng, ngoại vẫn một lòng suy nghĩ cho người khác.
Nghe xong câu chuyện, tôi bâng khuâng những cảm xúc khác nhau, nhớ lại trước kia mẹ từng nói: '' Không biết bao giờ ngoại mày mới hết nợ với mẹ ". Quả thật, chúng tôi đã nợ ngoại quá nhiều - một món nợ không bao giờ trả đủ. Tôi không biết, đâu là giới hạn của sự hy sinh; tôi chỉ biết, ngoại tôi đã và vẫn đang ôm lấy hy sinh về mình để đổi lấy bình an cho con cháu. Ngoại sẽ không cô đơn, con cam đoan với ngoại như thế ! Ngoại đã vất vả quá nhiều, xin ngoại hãy để các cháu của ngoại gánh bớt một phần vất vả ấy. Con chỉ muốn thấy nụ cười của ngoại, một lần thôi, thay vì cười cho niềm vui của người khác, ngoại hãy cười cho chính mình ! Con yêu ngoại !