Xe đưa tôi rẽ vào con đường quen về với bản khi ánh mặt trời đầu tiên của ngày le lói ở đằng Đông. Con đường bây giờ đã phẳng lì hun hút, uốn lượn dịu dàng như một một dải lụa bừng trong nắng mai. Sương mù lảng bảng ở đằng xa, ấp ôm cả cánh rừng bạt ngàn xanh thậm, phủ mờ hai bên đường đi. Tôi trở về trường cũ.
Mười năm rồi tôi mới có dịp trở về đây công tác, đường lên tới trường không còn gập nghềnh khó đi, con đường đang dẫn tôi về miền kí ức, đọng lại là những thân thương.
Chiếc xe bon bon chạy, những ổ gà, ổ voi đã được san phẳng nằm im lìm dưới những mảng đường nhựa thẳng thớn. Dọc hai bên đường là những rặng lau trổ bông màu trắng sữa, bay lất phất reo ca với gió rừng. Thi thoảng điểm xuyết mấy bụi Dã Quỳ đang vào mùa nở rộ. Màu hoa thắm hơn trong tiết trời ấm áp. Dã Quỳ không phải loại hoa ưa nhốt trong bình, cũng là hoa nhưng Dã Quỳ không thơm như nhiều loài hoa khác. Hoa đẹp hơn khi được sống giữa núi rừng, mùi thanh tao khi được hòa với thiên nhiên. Lần đầu tiên ôm bó Dã Quỳ, cũng là lần đầu tiên tôi biết nghề tôi chọn là đúng. Nhiều khi ngoảnh lại nhìn những bước đường tôi đi, tôi thấy mình thật hạnh phúc. Đến với nghề giáo viên bằng sự yêu thích, nhưng bước vào nghề lại cứ ngỡ mình sai. Đôi khi trong những bước đầu đứng lớp, chính tôi lại muốn thoát ra để được làm lại từ đầu sau hơn bốn năm miệt mài học trong ngôi trường Sư Phạm. Dã Quỳ chỉ nở một mùa, cũng như tôi chỉ yêu nghề Sư Phạm.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình yên ấm, bố mẹ làm cán bộ xã ở vùng quê bình dị. Xã tôi, và mấy xã lân cận có nghề làm chiếu cói, rất nhiều hộ gia đình nhờ cây cói mà vươn lên, cuộc sống làm nông không còn là cơ cực, những cây cói vươn dài làm cho những manh chiếu được bền đẹp hơn. Làng quê cứ thế mà đi lên, quanh năm có việc, cũng ít sợ vào thời tiết thất thường như nắng quá hay mưa to. Cây cói kiên cường sống ngay cả những vùng đất sình lầy nghèo dinh dưỡng. Có lẽ nhờ vậy mà tuổi thơ tôi nhẹ nhàng trôi.
Lên cấp hai tôi bắt đầu thích nghề giáo, hình ảnh người thầy người cô đứng trên bục giảng thật thanh cao. Lời thầy cô truyền dạy như những cơn mưa xuân đầu mùa, lất phất nhẹ nhàng nhưng thấm sâu vào từng thớ đất và lâu khô. Trong sự ngây thơ của tuổi mới lớn, trong tôi hình ảnh người thầy người cô thật đẹp, có lẽ đấy cũng chính là mầm ươm cho việc chọn lựa sau này của tôi.
Lên cấp ba, hình ảnh về nghề giáo trong tôi càng trở nên sâu đậm, vì vậy mà việc làm hồ sơ thi đại học của tôi cũng không mất nhiều thời gian. Việc chọn trường thi vào đại học của tôi cũng nhận được sự đồng tình của bố mẹ. “ Con gái chọn nghề giáo thì hợp quá rồi”, đó là những lời nhận xét tôi được nghe khi người lớn hỏi tôi chọn trường nào. Mọi sự bắt đầu đều suôn sẻ, nên trong tôi cũng thấy cuộc sống thật màu hồng, nhẹ nhàng, lững thững như những đám mây trong bầu trời quang. Nhàn nhã.
Hành trang sau tốt nghiệp ngoài những kiến thức được học trong trường, tình yêu nghề là cả một bầu nhiệt huyết với những tưởng tượng viễn cảnh nơi tôi sẽ đến dạy.
Tôi biết, nơi tôi về nhận nhiệm vụ là một xã vùng cao phía bắc của tỉnh, và tôi cũng biết sẽ có những khó khăn về nếp sống, cách sinh hoạt tại nơi mới dành cho tôi. Nhưng tôi tin với tình yêu được hình thành từ tấm bé với nghề cô giáo, cùng với những hoạt bát tuổi trẻ, tôi sẽ vượt qua. Ba năm, chỉ có ba năm thôi mà, tôi sẽ được về miền xuôi, coi như là thử thách tuổi trưởng thành.
Nơi tôi ở là một huyện miền xuôi khá giả, nơi tôi học là thủ đô hoa lệ. Nơi tôi làm việc là một vùng núi xa xôi.
Chiếc xe chở tôi lên trường lao bon bon hăm hở trên đường quốc lộ. Khi rẽ vào đường lên trường bắt đầu ậm ạch lắc lư. Những ổ gà ổ voi dần lộ diện, mỗi mét đường xe di chuyển thả lại phía sau đám bụi mịt mờ như sương khói mông lung. Trời ậm ừ toan đổ cơn mưa, bầu trời xám lại, con đường quanh co trở nên dài hun hút. Những người trong xe ồn ào than thở, tôi co người trên chiếc ghế ôm gọn nỗi sợ mơ hồ ngùn ngụt đẩy lên cao. Trên con đường gió thổi từ rừng ào ạt, người trên đường thưa dần, những ngôi nhà mọc cách xa nhau, đơn sơ, buồn bã. Vài ba con lợn đói ăn rúc mình vào trong bếp, người dân trong nhà tất bật che chắn sợ trời mưa. Bầu trời như sát gần mặt đất hơn, cái lạnh từ núi rừng thổi xuống nghe cô đơn cả cõi lòng. Tôi muốn được về với mẹ. Cảm giác trống trải theo tôi cả quãng đường. Ngôi trường dần hiện ra trước mặt, thấp bé lọt thỏm giữa những ngọn đồi nhấp nhô. Điểm xuyết giữa những mảng xanh của cây cối là những con đường đất đỏ vòng quanh, bám riết từng bàn chân những đứa trẻ ngây ngô, nói tiếng Việt còn ngọng ngịu, mái tóc xù không được buộc gọn lem nhem. Cả khuôn mặt còn vương bụi và đói, nhưng những ánh nhìn to tròn thật dễ thương. Những ánh mắt nhìn tôi niềm nở, nhen nhóm trong lòng cô giáo trẻ bớt bỡ ngỡ, bớt âu lo.
Những ngày đầu dạy học, mọi sự chuẩn bị trước đó đối với tôi trở nên dư thừa, nhưng lại thiếu nhiều hiểu biết về những đứa trẻ nơi đây. Những đứa trẻ bụng chưa no đến lớp, nước sạch chưa đủ dùng cho việc đơn giản là rửa sạch khuôn mặt cho đỡ tèm nhem. Việc luyện bài để phấn đấu thi này thi nọ chẳng còn quan trọng bằng việc các em đến lớp đều đặn. Con đường về nhà của các em chưa bao giờ là đơn giản, con đường đến trường hun hút sau những rặng đồi mọc san sát đường đi. Ngày đi học cách trường hơn mười cây số, đường đổ nhựa xe chạy êm ru, vậy mà bố mẹ còn thấy tôi đi lại vất vả, những đứa trẻ nơi này nhà cách trường đếm theo những quả đồi, những con suối chúng phải vượt qua.
Tôi là giáo viên trẻ, lại là con gái, nhà trường bố trí được ở trong khu tập thể dành cho giáo viên. Dãy nhà ở liêu xiêu cạnh khu rừng già vững chãi, bé nhỏ mong manh. Những ngày đầu mẹ hỏi “ Nơi làm mới, ổn không con?” tôi nghe cả tiếng thở nhẹ lo lắng của bố bên cạnh. Cố gằng giọng mạnh mẽ tôi trả lời “ Con ổn, bố mẹ đừng lo”, Rồi thêm vài ba câu hỏi ham từ bố mẹ, tôi tìm cớ để dừng cuộc hỏi thăm. Tôi sợ, tôi không kìm được những tủi thân, những ấm ức của một cô gái được bảo bọc đang đầy ứ, nghẹn ngào nơi cổ họng, một vài giọt ngắn dài cứ lẳng lặng trào ra. Tôi lại muốn được về nhà.
Trong lớp tôi có một cậu bé ngừng đến lớp, tôi với một người bạn cùng trường tìm đến nhà của em. Đường đến nhà em trơn trợt, nhỏ bé ngoằn ngoèo. Ngôi nhà cũ mèm rách nát, một đứa trẻ tầm ba bốn tuổi ngồi bất động bên cửa sổ đợi chờ, như một bức tranh mùa đông buồn. Nhìn đứa bé, tôi nhớ tuổi thơ của chúng tôi trước đây. Một khoảng cách xa vời vợi của hai sắc màu cuộc sống. Đứa trẻ ngồi chờ mẹ và anh nó quay về, cứ ngóng trông như thế đến khi trời sập tối, nó sợ mẹ nó đi mãi, những người đàn bà nơi đây, đã có nhiều người đi mãi không về. Đứa trẻ trơ trọi bơ vơ giữa những đói nghèo, đơn độc.
Khi những con gà nhảy lên cành cây để ngủ, mặt người không nhìn rõ, thì em học sinh của chúng tôi về, vai bị kéo lệch bởi gùi sắn trên lưng, đứa bé lộ rõ nụ cười lao ra ôm lấy anh trai mình. Mẹ chúng mấy nay không về, bố mất sớm. Tôi chạnh lòng thấy hai đứa trẻ chơ vơ. Tối đó tôi quyết định mời hai đứa trẻ ở lại trường cùng với chúng tôi. Tôi sang phòng cô bạn, nhường lại phòng cho chúng, tôi nghĩ sẽ có thêm vài ba đứa trẻ xa trường cũng cần một chỗ ở tạm cho đỡ đoạn đường đi.
Bố mẹ lên thăm tôi, nghẹn ngào nước mắt. “ Vất vả quá, về nhà bố mẹ xin việc...”. Tôi cười niềm nở, cố lộ vẻ vô tư “ Trải nghiệm tuổi trẻ mà mẹ. Khi nào đuối quá, không chịu được con xin về với mẹ”. “Ở đây còn nhiều thầy cô cũng như con”. Sự khó khăn phơi bày, bố tôi ra sau nhà hút thuốc giấu những xót con vào trong vệt khói lãng đãng tan vào không khí.
Tháng mười một trời mưa, mùa Dã Quỳ nở vàng một góc rừng ở đằng xa. Loài hoa cứ vô tư rực rỡ, vươn về phía mặt trời và giông bão chẳng hề ủ dội, cứ mạnh mẽ tỏa hương. Sáng đó trong tiếng mưa rả rích có năm cậu học trò, quần áo ướt rượt, lấm lem màu bùn đất, đỏ quạch đôi chân trần. Mặt bần thần lộ rõ những ngượng ngùng, tay ôm bó Dã Quỳ, tay cầm bó rau đắng, tay xách mấy củ sắn và vài ba bắt ngô. Đứa nhỏ nhất lí nhí trong hơi lạnh “ Lớp tặng cô nhân ngày 20/11”. Ôm bó Dã Quỳ trong tay như được ôm cả khoảng trời đầy nắng. Trời se lạnh mà lòng tôi ấm nóng như được sưởi ấm bằng than. Những đứa trẻ nơi đây tuy nghèo nhưng tâm hồn thật giàu có. Hôm đó trời mưa, dãy nhà tập thể giáo viên chúng tôi đầy ắp tiếng cười giòn tan của lũ trẻ.
Hết ba năm, bố mẹ giục tôi về, nhưng tôi vẫn muốn được ở lại. Căn phòng dãy nhà tập thể đã nhiều lên số lượng học sinh ở, căn phòng đang được mở rộng thêm. Những bữa ăn chỉ có cơm với rau rừng, đôi khi là những gói mì tôm nấu lẫn... nhưng chan chứa những hồn nhiên. Tôi ở lại nơi này thêm hai năm nữa. Phút chia tay là những bịn rịn, không có bó Dã Quỳ, chỉ có những đôi mắt tròn ngân ngấn nước, vùi trong cái nhìn xa xăm.
Chọn lựa nghề nghiệp không phải lúc nào cũng đúng, nhưng với tôi được làm nghề mình yêu là hạnh phúc, được sống bằng nghề mình chọn là tự do. Đôi khi cũng có những lúc chùn chân trước hoàn cảnh, nhưng nếu đủ vững lòng thì còn hạnh phúc nào hơn!