Sống như hoa mùa hạ, chết như lá mùa thu
Chúng ta sẽ sống thêm được bao nhiêu năm nữa? 1 năm, 10 năm hay 100 năm? Sẽ chẳng ai biết được ngày mai mình có mạnh khỏe, có bình an hay không, còn sống hay đã chết. Vậy nên được tồn tại trên thế giới này đã là một điều may mắn mà tạo hóa ban tặng cho loài người. Chúng ta chào đời bằng tiếng khóc, thậm chí khi em bé không khóc thì bác sĩ cũng sẽ vỗ làm thế nào để em bé khóc. Chúng ta sống trên cõi đời này với hàng nghìn lần khóc thầm nhưng giây phút chúng ta ra đi lại nở một nụ cười thảnh thơi và mãn nguyện nhất. Tại sao vậy nhỉ?
Hôm ấy là ngày cuối cùng trong kì thi, tôi bước ra phòng thi với thật nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui vì những gì mà mình đã cố gắng thể hiện trong bài thi, buồn vì lại sai những câu hết sức ngớ ngẩn, tôi còn lo không biết các bạn khác có làm hơn mình nhiều không. Bỏ qua những suy nghĩ ấy, tôi muốn trở về nhà thật nhanh rồi thưởng cho mình một giấc ngủ thật ngon quên đi hết những lo lắng muộn phiền, chẳng cần quan tâm đến thời gian. Cứ ngỡ là vậy cho đến khi tôi nhận được một cuộc điện thoại của bác tôi lúc 11 giờ trưa. Chuông điện thoại reo lên, tôi cứ tưởng là người giao hàng gọi đến như mọi ngày, thấy tên bác tôi vội nghe máy. Một giọng nói vội vàng như sắp hết hơi cất lên:
“ Phương ơi, mẹ đâu? Sao bác gọi mãi mà mẹ không trả lời? Nói với mẹ lên bệnh viện tỉnh nhanh lên, ông bị đột quỵ rồi.
Trong khi tôi chưa kịp định hình chuyện gì đang xảy ra, chưa tin vào những thứ mình vừa nghe thấy thì đầu dây bên kia đã vang lên: “Tít, tít, tít”
Tôi vội vàng chạy xuống bếp báo tin để mẹ gọi lại. Mẹ tôi dường như im lặng, khuôn mặt hồng hào mọi ngày ấy nay trở nên trắng ngắt như không có một giọt máu. Cơm đang nấu dở cũng để đó, mẹ tôi vọi vàng xách xe lên viện, tôi tiễn mẹ đi mà trong lòng xôn xao khó tả, liên miệng dặn mẹ đi cẩn thận. Trưa tháng 5 ngày hôm đó có vẻ nắng gay gắt hơn, gió cũng thổi nhiều hơn khiến hơi nóng từ đường nhựa như phả vào mặt những người đi đường. Lòng tôi bồn chồn nhìn xe mẹ đi mãi, đi mãi cho đến khi khuất hẳn.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên sau khi ông tỉnh lại ông còn có thể nắm tay tôi, ông còn có thể cười và ông còn có thể khóc khi muốn nói gì đó với con cháu nhưng lại không thể nói, nước mắt ông cứ thế trào ra khi muốn nói nhưng không thể. Lần đầu tiên tôi chứng kiến được một người bị tai biến là như thế nào, lần đầu tiên tôi cảm thấy cay cay sống mũi khi nhìn người mình thân yêu đang ngủ mà không biết ngày mai họ sẽ lại dậy hay sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Ai cũng nghĩ ông dần dần rồi sẽ tiến triển tốt lên, nhưng rồi những ngày tiếp sau đó là những ngày lịm dần của ông. Ông phải thở máy, phải ăn qua ống xông, rồi phải chuyển vào phòng hồi sức tích cực. Những chuyển biến nặng ấy cứ thế nối đuôi nhau khiến gia đình tôi vẫn không thể nào xoay trở kịp. Mẹ tôi xin nghỉ viêc, bố tôi cũng thế không phải vì lí do gì mà là do họ không thể chuyên tâm làm việc khi trong người cứ bồn chồn đứng ngồi không yên.
Ngày ông được viện trả về cũng là ngày tôi hết hy vọng hoàn toàn. Ông như giành giật từng giây, từng phút với sự sống để đợi con cháu đông đủ, để ở lại với con cháu một lúc nữa. Tôi ngồi bên giường ông không rời nửa bước, mắt hết nhìn ông lại nhìn vào máy thở, nhìn những chỉ số cứ lên xuống thất thường, đôi lúc nó còn về 0 hẳn khiến tôi như ngừng thở. Chắc là ông thấy anh em con cháu đông đủ vui quá nên ông muốn ở lại chút nữa, chắc là ông đang cố đợi anh tôi học ngoài hà nội mai mới về kịp hay ông đang nuối tiếc một điều gì đó ở trên trần gian này. Đến đêm khi chỉ số cũng dần ổn định thì con cháu ai nấy cũng đều đã thấm mệt nên chỉ để lại một người canh thì ông lại ra đi. Ai cũng bảo ông thương con cháu cho đến giây phút ra đi. Thế là từ giây phút ấy mẹ tôi mất đi một người cha, thế là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi mất đi một người thân yêu.
Tôi không ngờ một người công nhân về hưu bình thường như ông tôi lại được lòng mọi người, hàng xóm láng giềng đến như thế. Không phải vì ông giàu có hay quan to chức lớn mà là vì sự nhiệt tình, sự vui vẻ và hòa đồng của ông dành cho mọi người, vì những gì mà ông đã để lại cho đời. Mẹ tôi sống hơn 40 năm trên cuộc đời cũng phải bất ngờ vì chính tình cảm mà mọi người dành cho ông, bất ngờ vì số lượng người theo sau xe tang đưa ông về quê nhà.
Bây giờ, khi trở về với cuộc sống thường ngày tôi cứ tưởng tượng ra cảnh ông cười, ông đang ăn hay ông đang ngồi gói bánh chưng. Tôi hỏi mẹ: “Trước đây mẹ có bao giờ tưởng tượng ông mất hay chưa”.
“Có chứ, mẹ tưởng tượng như mẹ sẽ mất đi cả bầu trời khi không có ông, mẹ nghĩ là mẹ sẽ buồn sẽ gục ngã lắm nhưng con ạ thời gian thì vẫn cứ trôi, ngày mai vẫn sẽ đến và mẹ vẫn phải cố gắng vì các con, vì gia đình và còn vì chính ông”.
Ngày mai sẽ lại đến
Mặt trời sẽ lại lên
Cuộc sống vẫn sẽ vận hành như thế
Vậy hà cớ gì tôi phải chùng bước?
Chính vì vậy mà tôi muốn:
Sống
Rực rỡ như hoa mùa hạ
Chết
Lặng lẽ như lá mùa thu
Dù hôm nay có mệt mỏi, có gục ngã như sắp thể buông xuôi nhung trong tôi vẫn luôn hy vọng về một ngày mai. Ngày mai khi tôi tỉnh giấc sẽ lại là một cô gái vui tươi, tràn đầy năng lượng, sẽ tiếp tục dấn thân vì tuổi trẻ, và sẽ cống hiến cho cuộc đời. Ngày mai tôi vẫn sẽ là đứa con bé bỏng của bố mẹ, vẫn sẽ nói, sẽ cười, sẽ hát vang như chưa thể có chuyện gì xảy ra.
Ta không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai, không biết sẽ nắng hay mưa, sẽ vui hay buồn, sẽ thành công hay thất bại. Nhưng chúng ta có thể lựa chọn ngày mai ta sẽ sống thế nào. Dậy sớm hay muộn, chăm chỉ hay lười biếng,...
"Learn from yesterday, live for today, hope for tomorrow. The important thing is not to stop questioning." (Học từ ngày hôm qua, sống ngày hôm nay, hi vọng cho ngày mai. Điều quan trọng nhất là không ngừng đặt câu hỏi) - Albert Einstein.