1.Lúc còn nhỏ, tôi là cô bé ít nói, hay xấu hổ, ngại giao tiếp, mỗi lần gặp người khác là tự dưng mặt mũi đỏ bừng, và chả biết nói gì cho phải. Tôi luôn tự tin về cái sự kém cỏi đó của mình, cộng với việc ngoại hình chả có gì nổi bật, gia cảnh lại bình thường. Nhìn trước ngó sau, tôi thấy mình chả khác gì một con Lọ Lem theo đúng nghĩa đen của từ này. Và đương nhiên Lọ Lem này thì chả bao giờ mơ gặp được hoàng tử cả.
Nhà tôi chẳng giàu có, tôi dần nhận thức được điều đó khi thấy bạn bè diện mốt này mốt kia khi đi chơi. Bố mẹ tôi làm thợ may, đêm ngày lọc cọc với cái máy may, lại sinh hẳn bốn cô con gái. Sau dần bố mẹ chuyển đổi sang kinh doanh tạp hóa bán tỉ thứ trên đời nhưng cũng chỉ gọi là đủ ăn.
Tôi nhớ, cứ gần Tết muốn mua quần áo mới mà cứ đứng lấp ló trên gác xép chả dám xuống nói cái câu mà mình đã nhẩm đi nhẩm lại cả chục lần trên gác:
-Mẹ, mẹ cho con tiền mua quần áo mặc Tết nhé.
Kí ức đó hằn sâu vào tâm trí đến mức bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một. Lúc ấy, tôi nhớ mình đã tự hứa với lòng: “Sau này lớn lên, kiếm được nhiều tiền sẽ tự mua những đồ mà mình thích”. Và tất nhiên, khi trưởng thành điều đó trở thành điều hiển nhiên với tất cả mọi người chứ chẳng riêng mình tôi :). Nhưng tôi nhận ra một điều, cái tư tưởng “sau này, mai này, kiểu gì, ngày mai, tương lai…” đã ở sẵn đó trong tôi. Nó khiến cho tôi có động lực sống rõ ràng, và hướng mình biết cách lạc quan trước tương lai.
2. Tôi học hành cũng thuộc dạng làng nhàng, lửng lơ giữa mức khá và trung bình. Đấy là thực tế mà tôi tự nhìn nhận, còn trong mắt mọi người tôi cũng thuộc top những người có thể vào được Đại học. Đại học với thế hệ 8X chúng tôi mà nói, thời điểm ấy, không phải việc dễ dàng. Phải trầy da tróc vẩy, lăn lộn, mệt mỏi trong những cái lò luyện thi nóng bức, chật chội, chỉ ngửi thấy mùi mồ hôi của người bên cạnh, tiếng giảng bài đều đều của cô giáo, tiếng bút sột soạt, những khuôn mặt uể oải, những cái ngáp bất tận của bọn học sinh. Những ngày thức đêm học bài mà hai con mắt díp cả lại, biểu tình ghê gớm. Tôi đã trải qua những ngày tháng ôn thi như thế, trong trạng thái rất mông lung về tương lai. Vì cũng chả biết mình thực sự thích hợp với nghề nghiệp gì, cứ theo phong trào thấy bạn đăng kí gì hay hay thì thi đó. (Thú thật cho đến tận bây giờ tôi cũng chẳng rõ mình giỏi cái gì, chắc chỉ giỏi ăn hại
Cuối cùng, tôi trượt. Mặc dù lúc ôn thi cũng chẳng cố sức đến một nghìn công lực cho nó nhưng kết quả ấy cũng làm tôi choáng vàng, và quan trọng hơn là XẤU HỔ. Vâng, chính xác là xấu hổ vô cùng. Giống như một người thất bại trở về từ chiến trận trong cái nhìn đầy nghi ngờ, soi mói của mọi người. Sau khi mất tiền ra quán nét xem điểm về (thời ấy chả có điện thoại thông minh như bây giờ), tôi nằm bẹp trên gác, khóc như mưa, và không thèm bước chân xuống nhà. Đúng kiểu tuyệt thực. Đêm hôm ấy trời lại đổ mưa to, và tôi đã nghĩ một điều rất viển vông và điên cuồng:
-Chắc ông trời biết mình trượt nên khóc thương mình.
Nhưng sáng hôm sau, ông không thương nữa, ông tỉnh queo hất một xô nắng bỏng rát qua cái giếng trời vào mặt cái con bé tối qua còn khóc lóc lăn lộn. Điều đó khiến tôi hiểu ra rằng: chẳng có nỗi buồn nào kéo dài được lâu, vì cuộc sống vẫn tiếp tục và thay vì ngồi đó than thở chúng ta hay xốc lại tinh thần của mình vì ngày mai bắt buộc sẽ đến theo đúng quy luật vận hành của vũ trụ.
3.Thời tiết miền Bắc luôn làm tôi bực mình, chỉ vì nó có 4 mùa. Buồn cười thật. Tôi thích mùa hè và mùa đông nhất vì nó rõ ràng, còn mùa thu và mùa xuân, cho đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu sao nói được các ông nhà văn nhà thơ rồi nhạc sĩ ca ngợi đến thế. Đẹp đẽ gì cho cam cái mùa xuân đỏng đảnh của miền Bắc. Mưa phùn, trời nồm ẩm, tường và sàn nhà ướt nhẹp chảy nước. Động đến cái gì cũng dễ nấm mốc. Mà lại kéo dài đến những ba tháng dài đằng đẵng. Ghét thời tiết cũng khiến tôi sinh ra cảm giác bực bội trong người. Lúc còn là cô bé 12-18 tuổi, tôi chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, nghĩa là có gì sẽ bộc lộ luôn ra bằng cử chỉ, hành động, khuôn mặt và tệ hơn là bằng lời nói. Cho nên, tôi khi đối diện với mùa xuân đúng là bằng cảm giác một kẻ thù không đội trời chung. Cái mặt tôi nhăn nhăn cả ngày, còn miệng thì lải nhải:
-Cái thời tiết gì mà khó ưa. Bao giờ hết mùa xuân?
Tôi còn ngốc nghếch tưởng tượng ra mùa xuân như một mụ phù thủy già đang siết chặt lấy sự sống trong mình. Điều tôi cần là ánh nắng chan hòa của mùa hè đến sạc đầy năng lượng tích cực trong mình. Cho đến một ngày vô tình nhìn thấy những lá non xanh tươi mơn mởn phủ đầy cây bàng già gần nhà. Tôi đã đứng ngây người ngắm nhìn không chớp mắt, trong lòng ố á vì cảm thấy có một luồng sinh khí mới chảy trong người mình. Hóa ra mùa xuân mà mình từng ghét cay ghét đắng ấy có những công dụng diệu kì là đây. Đó là tái sinh ,là thổi hồn giúp sự sống trên trái đất này sinh sôi nảy nở, cũng đồng thắp lên trong lòng người những hi vọng vào tương lai, vào ngày mai tốt đẹp đang tới.
Mưa phùn cứ rắc xuống đi, nồm ẩm cứ kéo dài đi, để sự sống cựa mình. Cái giá cho việc chờ đợi sự xuất hiện của NGÀY MAI hóa ra lại đáng đến thế.
4.Sau này khi vào Đại học, sau lần thất bại đầu tiên, tôi đã rong ruổi bằng con chiến mã sắt băng qua những con đường đông đúc, nóng bức, khói bụi của cả Hà Nội và Sài Gòn. Thấy những dòng người lướt qua mình như một cuốn phim tua nhanh mà tôi là nhân vật nữ chính nghèo nàn, bất hạnh với con xe cà tàng và bộ dạng nhếch nhác. Tôi – lúc ấy- vừa nhấn pê đan một cách khó nhọc qua những con dốc, vừa thở hổn hển với mồ hôi lấm tấm đầy lưng áo đã tự hứa với mình rằng:
-Chờ xem, vài ba năm nữa thôi, tôi cũng sẽ là một trong số họ.
Nghĩa là cũng thảnh thơi ngồi trên những con ô tô, cũng sẽ có xe máy mà lướt đi thế kia. Chỉ cần tôi cố gắng mà thôi, ngày mai còn dài và tôi còn làm được nhiều điều lắm.
Tôi đã nghĩ như thế đấy. Tôi có thể là một cô bé nhút nhát, tự ti ở quá khứ, nhưng tuyệt nhiên lại trở nên đầy năng lực tích cực khi lớn lên. Vì tôi tin tưởng ở chính mình, cũng như tin tưởng vào NGÀY MAI tươi đẹp sẽ tới. Giống như mưa dầm dề cả tuần thì ắt nắng sẽ lên, còn ban phát cả cầu vồng cho người biết chờ đợi. Bạn có phải người biết chờ đợi không? Đặc biệt là chờ đợi ngày mai tươi sáng như tôi?